Hiện nay, sách giả, sách lậu không chỉ được ngang nhiên bày bán trên vỉa hè mà còn công khai rao bán trên mạng xã hội, nhiều sàn thương mại điện tử và hiệu sách. Xảy ra thực trạng này, một nguyên nhân là do mức xử phạt đối với hành vi in sách lậu, sách giả còn nhẹ, không đủ sức răn đe...
Để không mua phải sách giả, sách lậu, độc giả nên tìm đến các địa chỉ có uy tín. Trong ảnh: Hội sách Hà Nội lần thứ VII (tháng 10/2022) thu hút nhiều độc giả. Ảnh: HOÀNG HOÀNG |
Một ngày giữa tháng 11, chúng tôi đến mua sách tại cửa hàng trên phố Đinh Lễ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Trong lúc chờ đến lượt thanh toán, chúng tôi thấy chủ cửa hàng lấy cuốn sách cho một khách hàng, so sánh với cuốn sách cùng tên nhưng được mua ở cửa hàng khác và cho biết, vị khách đã mua phải sách lậu. Theo phân tích của chủ cửa hàng và khi quan sát cuốn sách thật, sách lậu đặt cạnh nhau, chúng tôi nhận thấy bìa sách thật có màu tươi sáng, sắc nét hơn, giấy in trắng hơn hẳn so với sách lậu. Tuy nhiên, nếu không có sự chỉ dẫn của chủ cửa hàng và quan sát kỹ, chúng tôi và người khách kia cũng không nghĩ rằng mình đã mua phải sách lậu!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sách giả, sách lậu thường có chất lượng kém do công nghệ in ấn thấp, sao chép thủ công, nguyên liệu giấy không bảo đảm. Đặc biệt, các đối tượng in sách giả, sách lậu không thực hiện quy trình xuất bản theo quy định, không trả tiền bản quyền cho tác giả... Vì thế, sách giả, sách lậu thường được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá in trên bìa và giá của sách thật. Lợi nhuận thu được từ sách giả, sách lậu lại rất lớn, nhất là từ khi mạng xã hội và thương mại điện tử phát triển dẫn đến việc kiểm soát, quản lý khó khăn hơn. Trong khi chỉ vào một số dịp đặc biệt, các nhà phát hành sách mới giảm giá (thông thường từ 10% đến 20%) thì nhiều loại sách giả, sách lậu chạy quảng cáo "đại hạ giá" lên đến 50%, thậm chí 70% khiến cho sách thật càng khó cạnh tranh, đến được tay bạn đọc. Ngoài việc bán giá rẻ, các đối tượng buôn bán sách giả, sách lậu còn dùng chiêu trò đăng ảnh sách thật thu hút độc giả, nhưng sau đó lại bán cho họ những cuốn sách kém chất lượng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Thắng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hiện nay, hành vi in ấn, buôn bán sách giả, sách lậu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ, tính chất cũng như hậu quả gây ra. Cụ thể, Điều 24 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: In xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản; in gia công xuất bản phẩm, sản phẩm không phải là xuất bản phẩm cho nước ngoài không có giấy phép in gia công... Điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép hoặc xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp từ 300 bản trở lên. Ngoài ra, tùy từng trường hợp, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử lý theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017; Luật Xuất bản năm 2012; Luật Sở hữu trí tuệ... Bà Phạm Thị Hóa, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát hành sách TP Hồ Chí Minh (FAHASA) cho rằng: “Với lợi nhuận thu được từ việc in ấn, buôn bán sách giả, sách lậu thì mức xử phạt như hiện nay chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”, nhiều đối tượng sau khi nộp phạt lại tiếp tục vi phạm. Do đó, cơ quan chức năng phải mạnh tay, quy trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm”.
Để bảo vệ sản phẩm, uy tín của mình, nhiều nhà xuất bản đã sử dụng tem chống hàng giả công nghệ, sử dụng mã QR trên sách... Tuy nhiên, ngành xuất bản có sử dụng công nghệ chống hàng giả nào thì các đối tượng in ấn, buôn bán sách giả, sách lậu cũng sẽ tìm cách làm giả tương ứng. Chính vì vậy, để có thể ngăn chặn nạn sách giả, sách lậu thì phải có hành lang pháp lý chặt chẽ, nghiêm khắc liên quan đến lĩnh vực xuất bản. Trước hết cần kiểm soát chặt chẽ từ khâu cấp phép in ấn đến kiểm tra, phát hành. Tiếp đến, cần nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng tăng mức xử phạt, xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi in ấn, buôn bán sách giả, sách lậu để tạo tính răn đe.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin