Với mỗi người dân Thái Nguyên, danh tướng Dương Tự Minh là một vị anh hùng dân tộc rất mực gần gũi, bởi tên ông đã được đặt cho nhiều con đường, trường học. Và tại Thái Nguyên cũng có nhiều công trình đình, đền thờ phụng, tưởng nhớ ông. Tài năng, sự nghiệp và công trạng của Dương Tự Minh được chính sử ghi chép lại và hình ảnh ông cũng sáng ngời trong những truyền thuyết dân gian.
Lễ hội đền Đuổm (Phú Lương) được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hằng năm để tưởng nhớ công lao của danh tướng Dương Tự Minh. |
Vị “tư lệnh biên phòng” suốt 3 triều vua Lý
Dương Tự Minh còn gọi là Đức thánh Đuổm hay Cao Sơn Quý Minh, là người dân tộc Tày, quê ở Quan Triều, phủ Phú Lương, nay là phường Quan Triều (TP. Thái Nguyên). Ông làm thủ lĩnh phủ Phú Lương xưa, gồm các châu: Thượng Nguyên, Vĩnh Thông, Quảng Nguyên, Cảm Hóa, Vạn Nhai, Tư Nông, Tuyên Hóa (thuộc tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, một phần tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc và Hà Nội ngày nay) trong suốt 3 đời vua nhà Lý, đó là: Lý Nhân Tông (1072-1128), Lý Thần Tông (1128-1138) và Lý Anh Tông (1138-1175).
Dương Tự Minh mồ côi cha từ nhỏ, ở với mẹ, là người thông minh, chăm chỉ và hiếu nghĩa. Năm ông ngoài 20 tuổi, trong vùng bọn phỉ tặc hoành hành cướp phá, dân tình vô cùng khốn khổ. Dương Tự Minh đã thành lập đội dân binh, tập hợp hàng trăm trai tráng trong vùng. Đội dân binh do ông chỉ huy đã chặn được sự hung hãn của bọn phỉ tặc, làng bản trở lại yên bình.
Vào năm Đinh Mùi (1127), vua Lý Nhân Tông mời Dương Tự Minh về triều ban thưởng của cải, gả con gái là công chúa Diên Bình và tổ chức đám cưới tại kinh đô, phong cho chức Châu mục vùng thượng nguyên và trấn trị cả phủ Phú Lương rộng lớn, có một vị trí chiến lược quan trọng. Không phụ lòng vua, ông chăm lo xây dựng phủ Phú Lương phồn thịnh, đồng thời trấn áp các bè, đảng có nguy cơ ảnh hưởng đến sự bình yên vùng biên giới.
Sử sách ghi: “Năm Đại Định thứ 5 (1144) có kẻ yêu thuật người nước Tống là Đàm Hữu Lượng trốn sang châu Tư Lang, tự xưng là Triệu tiên sinh, nói là vâng mệnh đi sứ để dụ dỗ nước An Nam. Các khe động dọc biên giới có người theo Hữu Lượng đem đồ đảng đến cướp châu Quảng Uyên. Dương Tự Minh gặp nhà vua xung phong đi dẹp giặc để giữ yên bờ cõi nước nhà. Nhà vua phong cho ông chức Đô đốc Thống binh, đích thân trao thanh “Thượng phương bảo kiếm”, thống lĩnh 3 vạn binh mã cùng văn thần Nguyễn Như Mai và Lý Nghĩa Vinh đi tiên phong cự chiến."
Dương Tự Minh chia quân thành hai đạo tiến công như vũ bão và giết chết Đàm Hữu Lượng. Sau khi dẹp yên giặc, ông cho củng cố lại các vùng biên ải, ổn định tinh thần nhân dân, rồi dẫn đoàn quân chiến thắng về kinh đô. Nhà vua thiết triều, ban yến và tác thành Dương Tự Minh cùng công chúa Thiều Dung tài sắc vẹn toàn. Sau đó, ông được điều về kinh thành Thăng Long phò vua giúp nước.
Năm 1150, Dương Tự Minh cùng một số trung thần bày mưu để trừ khử tên quan lộng quyền Đỗ Anh Vũ. Kế hoạch thất bại, ông bị bắt đi lưu đày và sống những năm tháng cuối đời ở chân núi Đuổm (Phú Lương). Trong dân gian lưu truyền rằng, sau này khi ông trở về quê, ông cởi bỏ quần áo xuống tắm mát trong dòng sông Phú Lương để trút bỏ hết bụi trần, mặc lên mình bộ quần áo chàm xanh của người Tày rồi cưỡi ngựa bay về trời.
Tên của danh tướng Dương Tự Minh được đặt cho một tuyến đường thuộc TP. Thái Nguyên. |
Khí chất anh hùng mãi vang vọng
Là danh tướng có nhiều công lao với mảnh đất Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung nên sau khi Dương Tự Minh mất, nhà Lý đã truy phong ông làm “Uy viễn đôn tỉnh cao sơn quảng độ chi thần”; nhiều triều đại phong kiến Việt Nam ban sắc phong là Thượng đẳng thần, còn nhân dân tôn ông làm Đức Thánh, xây đền thờ ở chân núi Đuổm (năm 1180) vào thời Lý Cao Tông. Sau này gọi là đền thờ Đức Thánh Đuổm.
Ông được tôn làm thánh, làm thần nông và nhân dân cả một vùng rộng lớn gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang… đã lập nhiều đền, miếu thờ Đức Thánh Đuổm. Theo thống kê, riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có hơn 100 công trình đình, đền, nghè, miếu thờ Dương Tự Minh. Một số công trình được xếp hạng di tích cấp Quốc gia, cấp tỉnh như: đền Đuổm (xã Động Đạt, Phú Lương); tại Phú Bình có đình Hộ Lệnh (làng Hộ Lệnh, xã Điềm Thuỵ), đình Đông (ở xóm Vàng, xã Tân Đức), đình Phương Độ (ở làng Phương Độ) và đình Xuân La (ở làng Xuân La, xã Xuân Phương); đền Lục Giáp (phường Đắc Sơn, TP. Phổ Yên); đình - đền Đồng Tâm, phường Đồng Bẩm (TP. Thái Nguyên). Ngoài ra, tại TP. Thái Nguyên cũng có một tuyến đường và một ngôi trường THPT mang tên Dương Tự Minh.
Trong tâm thức dân gian, hình ảnh của Dương Tự Minh còn được khắc hoạ như một vị anh hùng văn hóa, một vị thủ lĩnh tinh thần. Còn trong các thần tích, thần phả, trên các hoành phi, câu đối tại những nơi thờ tự ông, người dân - bằng tấm lòng ngưỡng mộ, thành kính và sức sáng tạo đã dệt nên nhiều huyền thoại đẹp và truyền từ đời này qua đời khác. Đó là những tác phẩm có giá trị trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, như: Chuyện chiếc áo tàng hình; câu chuyện về giếng Dội; tại sao gọi là sông Giang Tiên; thánh Đuổm trị tà thần…
Từ một nhân vật lịch sử, Dương Tự Minh đã đi vào truyền thuyết, trở thành biểu tượng anh hùng chống giặc ngoại xâm, nêu cao tinh thần yêu nước, độc lập dân tộc. Nhiều truyền thuyết còn gắn cuộc đời Dương Tự Minh vào những câu chuyện giải thích về nguồn gốc một số địa danh, tạo nên sức sống mãnh liệt và trường tồn theo thời gian.
Đúng như tên gọi, danh tướng Dương Tự Minh đã tự toả sáng, hoá thân thành hồn cốt dân tộc và như dòng nước mát thấm sâu vào tâm thức dân gian của người dân Thái Nguyên và các vùng lân cận; là động lực cổ vũ cho tinh thần cho nhân dân trong suốt quá trình đấu tranh bất khuất để giành độc lập dân tộc và xây dựng quê hương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin