Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) do Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức hồi đầu tháng 10-2022 đã khép lại. Nhưng dư âm của những xúc cảm nghệ thuật từ mỗi tác phẩm mang lại vẫn như vòng xoáy trên mặt nước tỏa lan mãi. Tại sân chơi lớn ấy, hội họa Thái Nguyên đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng và giới chuyên môn.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đại biểu dự Lễ khai mạc và tham quan các tác phẩm trưng bày tại Triển lãm. |
Triển lãm là hoạt động thường niên của giới mỹ thuật khu vực, với sự luân phiên đăng cai của các tỉnh. Tuy nhiên, triển lãm lần thứ 27 này có phần rộn ràng hơn bởi được tổ chức sau 2 năm tạm dừng vì dịch bệnh. Hội tụ tại thành phố Thép năm nay, 190 tác giả đến từ 15 tỉnh trong khu vực đã “trình làng” 210 tác phẩm trên nhiều chất liệu. Trong số đó, các hoạ sĩ Thái Nguyên tham dự với 24 tác phẩm của 21 tác giả.
Giới chuyên môn khẳng định, đây là một trong những triển lãm khu vực thành công nhất từ trước nay. Không chỉ bởi khán phòng 700 ghế ngồi không còn một chỗ trống trong ngày khai mạc và hàng trăm lượt người đến thưởng lãm các tác phẩm mỗi ngày, mà còn bởi, kết thúc Triển lãm, rất nhiều tác phẩm đã được các tác giả nhượng quyền sở hữu cho những người yêu nghệ thuật - điều ít có tại các triển lãm khu vực trước đây.
Thêm một dấu ấn khác của Triển lãm đó là Hội đồng Nghệ thuật đã chọn tới 13 tác phẩm để xét giải thưởng. Đây là con số rất cao so với các kỳ triển lãm trước. Càng hãnh diện hơn khi giải thưởng lớn nhất thuộc về một họa sĩ Thái Nguyên. Với bức tranh sơn dầu có tựa đề “Xóm vắng”, họa sĩ Hoàng Minh Đức (thuộc Chi hội Mỹ thuật Thái Nguyên) đã xuất sắc giành giải A. Đồng thời ghi dấu ấn là tác phẩm khắc gỗ mộc bản “Xuống Chợ” của họa sĩ Lê Quang Thái (giải Khuyến khích). 3 tác phẩm của các tác giả: Nguyễn Gia Bảy, Nguyễn Duy Nhiếp, Hoàng Minh Đức được Hội Mỹ thuật Việt Nam nghiệm thu tài trợ năm 2022.
3 tác phẩm: “Thiết kế bìa sách” của Đào Tuấn, lụa “Người giữ lửa” của Nguyễn Thị Thành, bức sơn dầu “Ký ức Tòng Đậu” của Nguyễn Quang Minh đã được giới thiệu tham dự giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Dịp này, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt chúc mừng các họa sĩ Thái Nguyên bởi tranh của họ đã xóa nhòa được khoảng cách về trình độ của các tác giả ở tỉnh với Trung ương. Trong đó, bức tranh “Xóm Vắng”, nội tại nó đã đáp ứng đủ hết các tiêu chí của một tác phẩm xuất sắc.
Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời tác phẩm của mình, họa sĩ Hoàng Minh Đức nhớ lại: Đó là vào một buổi chiều, tôi đi qua những ngôi nhà trong xóm của vùng núi đặc biệt khó khăn và tình cờ nhìn thấy những bà cụ ngồi bên cửa. Giây phút đó sững người lại bởi hình mẫu quá đẹp, những ý tưởng đầu tiên của tác phẩm nghệ thuật đã lóe lên trong đầu.
Chân dung hai cụ bà được vẽ trên nền những họa tiết đặc trưng của đồng bào Dao. Mỗi chi tiết đều sống động và chân thực tới mức, không gian và thời gian như ngưng đọng lại. Sự tài hoa của người họa sĩ chính là cho người xem như thấy được những tầng sâu văn hóa của một dân tộc thông qua chân dung cụ thể. Giá trị nghệ thuật và tinh tế ẩn hiện ngay trong sự mộc mạc, giản đơn của chủ thể khiến người xem như bị hút mắt vào bức tranh.
Bên cạnh bức tranh đoạt Giải A, tác phẩm điêu khắc “915 - Tượng đài bất tử” của họa sĩ Nguyễn Gia Bảy cũng giành được sự quan tâm đặc biệt, không chỉ vì chất lượng nghệ thuật mà còn vì ý nghĩa đặc biệt của nó. Mới đây, nhân ngày giỗ của 60 liệt sĩ Thanh niên xung phong Đại đội 915, họa sĩ Nguyễn Gia Bảy đã trao tặng tác phẩm này cho Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia – Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên).
Nhà điêu khắc Mai Thu Vân, thành viên Hội đồng nghệ thuật cũng bày tỏ sự yêu mến và cảm kích tấm lòng của đơn vị đăng cai tổ chức: Tôi nghĩ rằng, điều làm nên thành công to lớn cho Triển lãm Mỹ thuật lần này bên cạnh sự tài năng, tâm huyết của các họa sĩ còn nhờ vào sự quan tâm của tỉnh Thái Nguyên với lĩnh vực nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng. Tôi tin rằng, ở nơi mà chính quyền địa phương quan tâm và trân trọng những lao động sáng tạo của các nghệ sĩ như thế này, công chúng yêu nghệ thuật sẽ được thụ hưởng những thành quả sáng tạo chất lượng nhất.
Trong suốt hơn môt tuần diễn ra triển lãm, Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc ngày nào cũng đón hàng trăm lượt khách tới thưởng lãm. 2 cuốn sổ lưu niệm của Ban Tổ chức đã được viết kín, với hàng trăm trang giấy chứa vô vàn lời cảm ơn tỉnh nhà đã cho công chúng Thái Nguyên có được một tuần mãn nhãn với mỹ thuật.
Vẻ đẹp của nghệ thuật, giá trị của những tác phẩm được trưng bày sẽ không chỉ dừng trong không gian của Triển lãm mà chắc chắn sẽ được lan tỏa mạnh mẽ, truyền cảm hứng tới công chúng yêu mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung. Đồng thời sự quan tâm đủ lớn của các cấp, ngành và mỗi địa phương sẽ là tạo động lực để các nghệ sĩ Thái Nguyên sáng tạo, đóng góp những giá trị chân, thiện, mỹ vào đời sống xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin