Vĩnh biệt nhà thơ Giang Nam, tác giả “Quê hương”

Hữu Minh 09:39, 26/01/2023

Thông tin từ Chủ tịch Hội Nhà báo Khánh Hoà Đoàn Minh Long đến tôi: nhà thơ Giang Nam, chú Giang Nam (chúng tôi xưng hô như thế khi trò chuyện cùng chú) đã rời ngôi nhà số 46 đường Yersin, TP. Nha Trang, vào lúc 15h ngày 25/1 (mùng 4 Tết Quý Mão 2023) cùng với thân quyến, bạn bè thân thiết của ông, gồm rất nhiều văn nghệ sĩ.

Tác giả và nhà thơ Giang Nam.
Tác giả và nhà thơ Giang Nam.

Đặc biệt, nhiều học trò hâm mộ ông và đã thuộc lòng bài thơ nổi tiếng “Quê hương”: Thuở còn thơ ngày hai buổi tới trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ… cũng đến tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng hoặc gửi lời tiễn biệt.

Trong hoạt động báo chí, mỗi lần vào Nha Trang tôi thường được đồng nghiệp đưa tới thăm nhà thơ Giang Nam và nhà văn Nguyễn Khắc Phục – những con người tài hoa không chỉ riêng văn đàn và thi ca (anh Phục về cõi vĩnh hằng năm 2016), qua đó hiểu hơn những gì đã hiểu về nhà thơ nổi tiếng với quê hương đất nước này…

Nhà thơ Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929 tại xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. 95 mùa Xuân cuộc đời, nhà thơ Giang Nam đã có hơn 75 năm theo Đảng, đã được tổ chức phân công ở nhiều vị trí công tác và lĩnh vực khác nhau, bắt đầu từ tháng 8/1945.

Từ tháng 8/1952 cho đến ngày nghỉ hưu (12/1993), nhà thơ Giang Nam được phân công các nhiệm vụ được nhiều người nhớ đến là Tổng Biên tập Báo Văn nghệ giải phóng, Báo Văn Nghệ và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Dấu ấn khi nhà thơ Giang Nam giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (phụ trách lĩnh vực văn - xã) đó là ông từng làm Trưởng Ban Tổ chức Hội thảo về Alexandre Yersin, cách đây gần tròn 32 năm (vào đầu tháng 3/1991), nhân kỷ niệm 100 năm nhà bác học Alexandre Yersin đến Nha Trang.

Cuộc Hội thảo ấy đã góp phần tôn vinh những giá trị, thành tựu khoa học của Alexandre Yersin, đóng góp cho nhân loại từ Việt Nam và từ TP Nha Trang, nơi Yersin lựa chọn gắn bó, sống gần 50 năm để làm việc, nghiên cứu khoa học.

Nhà thơ Giang Nam được rất nhiều người đọc nhắc nhớ đến, nhất là qua hai bài thơ rất nổi tiếng của ông: “Quê hương” và “Nghe em vào đại học”. Còn giới văn nghệ sĩ thì chọn 10 bài thơ hay nhất của ông vào tốp đầu, trong đó có những bài: Người con gái Sài Gòn, Mười năm, Chùm tứ tuyệt cho em, Trước tờ giấy trắng…

Sự ra đi của nhà thơ Giang Nam không bao giờ đồng nghĩa với sự kết thúc. Ông vẫn mãi mãi còn trong đời sống chúng ta với nụ cười trong sáng, một trái tim nhân hậu và một cuộc đời tận hiến cho đất nước. Những bài thơ nổi tiếng của Giang Nam, đặc biệt là bài thơ Quê hương sẽ còn đọng lại dài lâu trong lòng rất nhiều người.

              “Thủa còn thơ ngày hai buổi đến trường

                 Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”

                  ……………………………………….

                  Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm

                  Có những ngày trốn học bị đòn roi…

        Cầu chúc cho chú Giang Nam yên nghỉ cùng “Cô bé nhà bên “… nơi quê nhà và

                  Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất

                   Có một phần xương thịt của em tôi.