Cần sớm cắm mốc, cấp sổ đỏ cho di tích

Theo NDĐT 10:17, 17/04/2023

Ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng nằm trong vùng chiến khu cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho nên có hệ thống di tích lịch sử, cách mạng dày đặc. Những di tích này đã được ngành văn hóa và ba địa phương kiểm kê, xếp hạng, trở thành các "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống, thu hút khách du lịch về nguồn, nghiên cứu, trải nghiệm.

Du khách tham quan di tích đồi Nà Pậu, thuộc ATK Chợ Ðồn, tỉnh Bắc Kạn.
Du khách tham quan di tích đồi Nà Pậu, thuộc ATK Chợ Ðồn, tỉnh Bắc Kạn.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều di tích trong số này vẫn chưa được cắm mốc chỉ giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thường gọi là sổ đỏ) theo quy định của Luật Ðất đai và Luật Di sản văn hóa. Ðiều này ảnh hưởng tới công tác bảo vệ, đầu tư trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.

Sổ đỏ - mong ước xa vời...

Về thăm Cụm Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Ðồn (tỉnh Bắc Kạn), với các địa danh: Bản Ca, đồi Nà Pậu, Khuổi Linh, đồi Pù Cọ, Khau Mạ, Nà Quân..., chúng tôi bồi hồi khi hình dung Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước đã ở, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để lãnh đạo cách mạng trong những ngày của 9 năm kháng chiến trường kỳ. Giờ đây, các địa danh ấy đã trở thành di tích lịch sử, cách mạng, là "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Nhưng lại chợt chạnh lòng khi nhận thấy công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích này còn gặp không ít khó khăn.

Ở Khu ATK Chợ Ðồn, có sáu di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh và 42 điểm di tích đã được kiểm kê. Song, đến nay mới chỉ có di tích Khuổi Linh và Nà Pậu là được cấp sổ đỏ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cắm mốc chỉ giới cho di tích ở Bắc Kạn nhiều năm liền chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn Nông Khánh Hoàn cho biết: Toàn bộ di tích đã được xếp hạng, đơn vị đã hoàn thành việc lập hồ sơ, vẽ sơ đồ hiện trạng, định vị, khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ thể hiện trên giấy; còn trên thực địa hầu hết di tích chưa được cắm mốc giới bảo vệ và chưa được cấp sổ đỏ. Thậm chí, nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh còn chưa được cắm bia, biển thông báo đó là di tích. "Chúng tôi rất trăn trở việc làm sao sớm cắm mốc giới trên thực địa và cấp sổ đỏ cho di tích, nhưng vì không có kinh phí, nhất là cho việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho nên đến nay việc này vẫn chưa thực hiện được", ông Hoàn chia sẻ.

Tỉnh Cao Bằng hiện có hơn 200 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Theo thông tin từ Bảo tàng tỉnh, trong số này hiện mới có chín di tích lịch sử cách mạng (là nhà riêng của các gia đình) liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là được cấp sổ đỏ. Còn lại khoảng 200 di tích do Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng và các xã, phường, thị trấn quản lý đều chưa có sổ đỏ, hoặc có sổ đỏ cho một phần nhỏ trong tổng diện tích của di tích. Giám đốc Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng, ông Ðào Văn Mùi chia sẻ, hiện mới có một phần diện tích đất tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó và Khu Di tích quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Biên giới 1950 được cấp sổ đỏ. Còn lại, phần lớn diện tích đất di tích chưa được cấp.

Tại Thái Nguyên, hầu hết các di tích lịch sử tại quần thể ATK Ðịnh Hóa, nhất là các điểm di tích nằm trong Khu Di tích quốc gia đặc biệt, đã được tỉnh và các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương có di tích phục dựng gần như nguyên gốc, tôn tạo hoặc dựng bia, nhà bia ghi dấu di tích, sự kiện. Ban Quản lý Di tích lịch sử - sinh thái ATK Ðịnh Hóa thường xuyên tham mưu cho tỉnh trùng tu, tôn tạo, đồng thời tích cực sưu tầm hiện vật để trưng bày, tư liệu để thuyết minh cho du khách đến tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm, là các "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, đến nay nhiều di tích mới được cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ khu vực I, khu vực II, mà chưa được cấp sổ đỏ để bảo vệ di tích bền vững, lâu dài. Chẳng hạn Di tích nơi ở, làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Ðảng tại đồi Nà Mòn, xã Phú Ðình mới được cắm mốc; một mặt dựng hàng rào lưới B40, một mặt gia đình hộ dân bên cạnh xây hàng rào để phân định ranh giới, nhưng chưa được cấp sổ đỏ. Ðây cũng là thực trạng của nhiều di tích ở ATK Ðịnh Hoá. Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử - sinh thái ATK Ðịnh Hóa Bùi Huy Toàn trăn trở: "Ðể bảo tồn nguyên vẹn di tích, một trong những yếu tố quan trọng là cần sớm cấp sổ đỏ để tránh những tác động tiêu cực đối với di tích".

Di tích nơi ở, làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh ở đồi Nà Mòn, thuộc quần thể ATK Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên chưa được cấp sổ đỏ.

Cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành

Việc chưa hoàn thành cắm mốc, khoanh vùng bảo vệ và cấp sổ đỏ cho di tích trong trung và dài hạn sẽ gây cản trở cho công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do khi tôn tạo, mở rộng di tích, một số cơ quan, đơn vị có di tích thường làm việc trực tiếp với các hộ dân chung quanh, chứ chưa phối hợp với cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng để thực hiện các thủ tục thu hồi đất, lập hồ sơ đất đai, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, cấp sổ đỏ. Mặt khác, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, giấy tờ, hồ sơ lưu trữ của nhiều cơ quan, đơn vị không đầy đủ; trình tự, thủ tục về đất đai từng phải qua nhiều khâu, nhiều cấp, ngành khác nhau, trong khi sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa nhịp nhàng, chặt chẽ; đất di tích và đất của người dân chung quanh chưa được phân định rõ ràng... nên tiến độ cấp sổ đỏ cho các di tích rất chậm.

Ðể khắc phục tình trạng này, hiện tại Bắc Kạn đang lập quy hoạch Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Ðồn. Ngày 30-3, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch cắm mốc giới; xây dựng, tu sửa bia, biển di tích trên địa bàn (giai đoạn 2022-2030) với tổng vốn đầu tư hơn sáu tỷ đồng. Theo đó, từ năm 2022 đến 2026, tiến hành cắm mốc giới đối với 7 di tích cấp quốc gia và 62 di tích cấp tỉnh. Từ năm 2023 đến 2025, tu sửa bia, biển của 9 điểm trong Cụm Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Ðồn và 32 di tích cấp tỉnh. Từ năm 2025 đến 2030, xây dựng bia, biển di tích mới đối với 16 điểm trong ATK Chợ Ðồn, Di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể, hai di tích cấp quốc gia và 30 di tích cấp tỉnh...

Tỉnh Thái Nguyên cũng đã có quy hoạch đất đai đối với các di tích. Việc cần làm là sớm bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch và chỉ đạo sâu sát, giao nhiệm vụ và lộ trình cụ thể cho các cơ quan chức năng chủ trì, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho các di tích tại ATK Ðịnh Hóa.

Theo Bảo tàng tỉnh Cao Bằng, hiện tại chưa xảy ra việc xâm hại di tích, hay tranh chấp, nhưng để thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ di tích, Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh đã cử cán bộ đến trao đổi, làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh để triển khai, thực hiện việc cấp sổ đỏ cho diện tích đất thuộc di tích. Giám đốc Bảo tàng tỉnh Cao Bằng Ngô Cẩm Châu đề nghị: Chính quyền các địa phương cần chủ động lập hồ sơ, thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ cho đất thuộc di tích, nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích; đồng thời phòng ngừa việc lấn chiếm, xâm hại di tích.

Mong rằng, hệ thống di tích lịch sử, cách mạng ở vùng chiến khu Việt Bắc thuộc ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng sẽ sớm hoàn thành việc cắm mốc giới và cấp sổ đỏ để có căn cứ bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, phát huy lâu dài giá trị các di tích này là mong muốn của không chỉ các đơn vị hiện đang quản lý mà còn của nhân dân.


Từ khóa:

ATK

di tích

sổ đỏ