Đồng bào dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương hiện có trên 10.000 người (chiếm 9,7% dân số toàn huyện). Những năm qua, bà con không chỉ nỗ lực bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình, mà còn tích cực đưa những giá trị văn hóa này lan tỏa trong cộng đồng.
Điệu múa phát nương tra hạt trong múa Tắc Xình của đồng bào dân tộc Sán Chay. |
Múa Tắc Xình và hát Sấng Cọ (hay còn gọi là hát ví Lưu Tam, hát Xình ca) là 2 loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Chay ở huyện Phú Lương đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào các năm 2014 và 2016. Để đưa những giá trị truyền thống này đến gần hơn với công chúng, các câu lạc bộ văn hóa của đồng bào Sán Chay đã tích cực tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, biểu diễn ở các huyện, thành phố khác và cả một số tỉnh bạn.
Ông Trần Văn Hải, Chủ nhiệm Câu lạc bộ múa Tắc Xình xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, cho biết: Câu lạc bộ được thành lập năm 2014, trên cơ sở đội văn nghệ múa Tắc Xình của xóm. Trước đây, chúng tôi chỉ biểu diễn trong cộng đồng dân cư địa phương nhân các ngày Tết, lễ hội. Nhưng từ khi có Câu lạc bộ đến nay, được sự hỗ trợ của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, chúng tôi đã tham gia biểu diễn ở nhiều nơi như: phố đi bộ hồ Gươm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội)...
Tương tự, Câu lạc bộ múa Tắc xình và hát Sấng Cọ xóm Cầu Bình, xã Vô Tranh, cũng đã tham gia giao lưu, biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái...
Ông Trần Văn Thổ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ múa Tắc xình và hát Sấng Cọ xóm Cầu Bình, chia sẻ: Mỗi lần đi giao lưu, biểu diễn, các thành viên trong Câu lạc bộ ai cũng cảm thấy phấn khởi. Bởi chúng tôi thực sự mong muốn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình được nhiều người biết đến. Cũng vì thế, mỗi khi có buổi biểu diễn, các thành viên đều sẵn sàng gác lại công việc riêng để cùng đi tham gia tập luyện, trình diễn trên sân khấu.
Từ thực tế cho thấy, thông qua những hoạt động giao lưu, biểu diễn như trên đã giúp người dân trong và ngoài tỉnh biết đến và hiểu hơn về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Chay.
Anh Nguyễn Hải Nam, ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, vui vẻ: Ban đầu, tôi nghĩ múa Tắc Xình chỉ đơn giản như là một điệu múa dân vũ của đồng bào Sán Chay ở khu vực miền núi. Tuy nhiên, khi được tận mắt xem bà con biểu diễn, tôi mới hiểu hơn ý nghĩa sâu xa của nó. Từng động tác, nhịp điệu, âm thanh đều thể hiện ước nguyện của con người, cầu cho mưa thuận gió hòa, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, cầu cho bản làng được hạnh phúc...
Không chỉ có có sự tham gia nhiệt tình của đồng bào Sán Chay, những năm qua, hoạt động bảo tồn và quảng bá giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số nói chung và đồng dân tộc Sán Chay nói riêng đã được huyện Phú Lương đặc biệt quan tâm. Có thể kể đến như vừa qua, huyện đã hỗ trợ mỗi câu lạc của đồng bào dân tộc Sán Chay 15 bộ trang phục biểu diễn; hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn, ở khi đi tham gia biểu diễn ở các địa phương...
Bảo tồn văn hóa truyền thống không có nghĩa là giữ khư khư nó trong vùng, khu vực đó, mà là phải làm cho nó ngày càng lan rộng hơn nữa trong cộng đồng, được nhiều người biết đến và quan tâm, tìm hiểu. Quan điểm này của huyện Phú Lương đang được đồng bào dân tộc Sán Chay triển khai hiệu quả thông qua các hoạt động giao lưu, biểu diễn...
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Phú Lương
Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Phú Lương, cho biết: Để tiếp tục bảo tồn, phát triển văn hóa của người Sán Chay nói riêng và Phú Lương nói chung, UBND huyện đã ban hành Đề án “Bảo tồn di sản văn hóa huyện Phú Lương, giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa; phối hợp xây dựng các mô hình bảo tồn văn hóa tiêu biểu của các dân tộc; hỗ trợ biểu diễn trang phục truyền thống, trang phục biểu diễn cho các câu lạc bộ văn hóa; tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy, hướng dẫn tập luyện biểu diễn các tiết mục văn hóa... Thông qua đó nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của huyện gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin