Cái nôi "văn nghệ Gang thép"

Theo QĐND 15:14, 01/04/2023

Năm 1959, Thái Nguyên được chọn là địa điểm xây dựng Khu công nghiệp Gang thép, hàng vạn người từ nhiều miền quê đã được điều động về xây dựng công trình.

Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Câu lạc bộ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh công nhân Gang thép, tháng 11/2022. Ảnh: NGỌC CHUẨN 
Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh nghệ thuật kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Câu lạc bộ Mỹ thuật - Nhiếp ảnh công nhân Gang thép, tháng 11/2022. Ảnh: NGỌC CHUẨN 

Ngay từ buổi đầu bạt núi san đồi, đời sống văn hóa, văn nghệ của người lao động đã được quan tâm, chăm lo, góp phần nâng cao khí thế, tinh thần cống hiến.

Trong ký ức của những công nhân, người lao động thế hệ đầu tiên, nhiều công trình lớn được xây dựng phục vụ đời sống văn hóa, văn nghệ cho công nhân và nhân dân địa phương như: Nhà văn hóa, Công viên thiếu nhi, Tượng đài công nhân, rạp Phúc Lợi... Bên cạnh các hội diễn nghệ thuật, liên hoan văn nghệ, Xí nghiệp Liên hợp Gang thép Thái Nguyên (tiền thân của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên hiện nay) còn tổ chức đoàn xiếc, đoàn văn công Gang thép, đội chiếu bóng...

Phong trào văn hóa, văn nghệ khi được triển khai rộng, sớm kết tinh sáng tạo giá trị. Nhiều cán bộ, công nhân miệt mài sáng tạo, biểu diễn và khẳng định được tên tuổi trong lĩnh vực văn nghệ như: Nhà văn Xuân Cang (Ban Tuyên giáo Công đoàn), nhà thơ Trịnh Thanh Sơn (Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng), nhà văn Nguyễn Đức Thiện (Đài Truyền thanh Gang thép), nhà báo, nghệ sĩ sân khấu Nguyễn Huấn (Xí nghiệp Vận tải Đường sắt)... Trên cơ sở các hạt nhân nòng cốt, Xí nghiệp tổ chức nhiều cuộc thi, hoặc các cuộc vận động sáng tác bút ký, thơ, nhạc, viết kỷ niệm, gương người tốt, việc tốt và xuất bản các tập sách như: “Từ hai bàn tay”, “Hoa thép”, “Thợ mỏ và thơ”, “Những bông hoa thép”... Ông Bùi Thanh Tăng, nguyên là công nhân luyện thép, cho biết: “Sau giờ làm việc vất vả, được tham gia các hoạt động văn nghệ, thưởng thức những tác phẩm văn nghệ nói về mình, chúng tôi cảm thấy tinh thần thoải mái và như có thêm nguồn năng lượng cho những giờ lao động mới”.

Thực hiện cơ chế quản lý mới, Công ty thành lập Hội đồng câu lạc bộ, lập các cụm văn hóa, thể thao và các câu lạc bộ chuyên đề về thanh niên, nữ công, mỹ thuật - nhiếp ảnh, khiêu vũ... Cùng với đó là đổi mới nội dung và phương thức hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động theo hướng chuyển trọng tâm về từng nhà máy; tổ chức đa dạng sinh hoạt văn hóa với những chương trình văn nghệ - tạp kỹ như: “Giờ thứ 9”, ca nhạc, thời trang “Sắc màu cuộc sống”, “Hát bên dòng lửa thép gang”; mở không gian triển lãm ảnh, mỹ thuật, điêu khắc của công nhân.

Công ty ban hành Quy chế “Văn hóa doanh nghiệp”, triển khai xây dựng mô hình “Nhà máy công viên” với nhiều tiêu chí liên quan mật thiết đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, tạo dựng không gian biểu diễn nghệ thuật và điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của mọi đối tượng trên địa bàn.

Ông Vũ Thượng Thư, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: “Trong quá trình xây dựng và phát triển, Công ty đã hình thành các thiết chế văn hóa, nét văn hóa của người thợ Gang thép. Tiếp nối truyền thống, Công ty đã và đang tổ chức nhiều hoạt động tạo thêm những sân chơi lành mạnh cho cả đội ngũ; đồng thời triển khai xây dựng Khu di tích Bác Hồ về thăm Gang thép, nâng cấp Bảo tàng Gang thép”.

Như chương sách lưu bao điều kỳ diệu mang giá trị kết nối lâu bền, những nét đẹp nhân văn được tạo dựng bởi trí tuệ, công sức của nhiều thế hệ sẽ tiếp tục lan tỏa niềm tin yêu và khát vọng cống hiến của công nhân Gang thép.