Nghệ sĩ Ưu tú - đạo diễn Trần Vịnh: Người làm phim chiến tranh nhiều nhất Việt Nam

Theo HNM 16:15, 03/05/2023

Nếu tính cả bộ phim “Biển lửa Ngã năm” và “Lộ vòng cung” - lần lượt khởi quay vào tháng 5-2023 thì tới nay, ở tuổi 80, NSƯT Trần Vịnh đã tới hơn 40 tỉnh, thành phố để thực hiện 60 bộ phim truyện truyền hình về đề tài chiến tranh. Ông nói vui rằng mình cố gắng làm 70, 80 phim ở đủ 63 tỉnh, thành phố rồi... đi gặp tổ tiên là vừa. Đó là ước nguyện của ông, người đã dành cả đời để đóng và đạo diễn các bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng.


 

Nghệ sĩ Ưu tú - đạo diễn Trần Vịnh.
Nghệ sĩ Ưu tú - đạo diễn Trần Vịnh.

1. NSƯT Trần Vịnh sinh năm 1943 tại Hà Nội. Lớn lên trong những năm tháng đất nước có nhiều biến động, tới giờ Trần Vịnh vẫn nhớ như in những sự kiện lịch sử mang tính bước ngoặt của đất nước và gia đình. Ông kể rằng mình từng vào tận sân bay Gia Lâm đón vua Bảo Đại về nước vào năm 1949, cũng như biết rõ cách thức cán bộ kháng chiến bắt liên lạc với nhau như thế nào vì “bố tôi tham gia hoạt động bí mật nội thành”.

Ngày 10-10-1954, quân Pháp rút đến đâu cờ đỏ sao vàng xuất hiện đến đấy, chàng thiếu niên 11 tuổi Trần Vịnh cũng mang biểu tượng chim bồ câu hòa cùng đoàn người đi từ nhà in Ngô Tử Hạ về phía phố Hàng Khay để đón bộ đội từ các cửa ô tiến về tiếp quản Thủ đô. Ông kể, cả ngày hôm đó bỏ cả ăn, chạy theo bộ đội đến tận Cột Cờ rồi đêm về học hát ở Phủ Toàn quyền.

Tất cả những điều mắt thấy tai nghe ấy đã giúp Trần Vịnh bắt nhịp rất nhanh khi vào học tại Trường Nghệ thuật Quân đội. Trước đó, khi học cấp 3 (niên khóa 1960 - 1963), Trần Vịnh là trưởng ban kịch nói, viết kịch bản và vào vai trong các vở kịch tham gia hội diễn toàn thành phố. Mỗi lần công diễn vở mới, bố mẹ và các em của ông đều đến trường để xem. Năm 1969, trước khi tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Quân đội, Trần Vịnh được điều động bổ sung cho Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị Thiên biểu diễn phục vụ các đơn vị đang chiến đấu trên chiến trường khi đó vốn được coi là khốc liệt nhất.

Năm 1974, Trần Vịnh về Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị, sau đó đi biểu diễn phục vụ các đơn vị đang chiến đấu tại mặt trận biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Vào chiến trường, Trần Vịnh trưởng thành hơn, cảm nhận rõ sự khốc liệt của chiến tranh khi chính ông cũng là một người lính. “Trong suốt 8 tháng trời năm 1969 chỉ ăn 2 lạng gạo/ngày, cũng phải đào hầm làm nhà, vận chuyển thương binh, biểu diễn ở quân y viện” - ông kể.

Những trải nghiệm đó đã mang lại cho Trần Vịnh cảm xúc chân thực khi hóa thân thành Lũy - anh bộ đội tính nết bình dị dễ thương - trong “Về nơi gió cát”; bí thư của những người tù Côn Đảo đầy bản lĩnh, cương nghị và giàu tình cảm trong “Cơn lốc biển”, và hàng loạt vai diễn Bộ đội Cụ Hồ khác trong các phim “Đàn chim và cơn bão”, “Kẻ cô đơn”, “Vùng trời cho chim câu”, “Pho tượng”, “Sẽ đến một tình yêu”, “Tiếng sóng”... Và, sau này, trên cương vị đạo diễn, Trần Vịnh lại tiếp tục khai thác vốn sống quý giá đó, tái hiện vào phim, kể lại những câu chuyện cổ tích có thật.

2. Đạo diễn Trần Vịnh có cách làm phim khá đặc biệt. Ông thường tự bỏ tiền túi mời các nhà biên kịch đi thực tế, làm đề cương, sau đó ứng tiền cho họ viết kịch bản. Trong số 58 bộ phim chiến tranh mà ông đã đạo diễn có 40 bộ phim do ông tự tổ chức kịch bản. Bằng cách đó, Trần Vịnh đưa nhà văn Chu Lai đến Bình Dương để viết về đội nữ pháo binh và cho ra đời bộ phim truyền hình “Vùng ven một thời con gái”, đưa nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn đến Kiên Giang để viết “Chị Sáu Kiên Giang”, đưa nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đến Huế để viết “Huế mùa mai đỏ”... “Thường thì khi có trong tay kịch bản rồi tôi mới đi vận động các đài làm” - đạo diễn Trần Vịnh cho biết.

Ông cũng tiết lộ rằng mình có uy tín với thể loại phim chiến tranh là vì "đã quen mặt và thường làm kỹ". Ngoài ra, ông thường không mời diễn viên nổi tiếng vì phim chiến tranh cần sự mới mẻ: “Tôi là diễn viên trước khi làm đạo diễn nên có thể dạy được diễn viên. Dù biết rằng làm việc với diễn viên lạ thì sẽ mệt hơn, vất vả hơn vì phải dạy họ từng tí một nhưng khi diễn viên vào cuộc thì mình lại được hưởng cái thần của họ”.

Cảnh trong phim “Huế mùa mai đỏ” của đạo diễn Trần Vịnh.
Cảnh trong phim “Huế mùa mai đỏ” của đạo diễn Trần Vịnh.

Hiểu rõ chiến tranh và người lính với cảm quan của người trong cuộc, đó chính là điểm khác biệt của Trần Vịnh so với nhiều đạo diễn khác. Ông nói rằng, làm phim về chiến tranh thì phải biết thương những người có mặt trong cuộc chiến, kể cả khi họ chối bỏ nhiệm vụ hay mắc sai lầm. Với họ, người làm phim vẫn phải chọn cách khai thác bằng sự thương yêu chứ không phải xỉ vả.

“Tôi được sống cùng những người lính ở mặt trận nên tôi hiểu họ. Chứng kiến vô vàn chiến công và cả sự hy sinh của các chiến sĩ...,  tôi vô cùng yêu và thương họ. Tôi yêu bộ đội, yêu những cô thanh niên xung phong. Nếu không có cuộc sống bộ đội, không có quân đội thì sẽ không bao giờ có đạo diễn Trần Vịnh”.

Kiên tâm với con đường đã và đang đi - làm phim chiến tranh để thế hệ sau hiểu rằng đất nước có được như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh của những thế hệ trước, NSƯT Trần Vịnh cho biết ngày 15-4-2023 ông đi thực tế ở Hà Nam cùng tác giả kịch bản để viết kịch bản phim “10 cô gái Lam Hạ” (nói về 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh tại trận địa phòng không của dân quân Lam Hạ, Phủ Lý, Hà Nam). Ông khát khao làm cho Đắk Nông một bộ phim về vị tù trưởng dân tộc MNông, N'Trang Lơng, và một bộ phim nói về trận đánh kho Mai Hắc Đế năm 1968 tại Đắk Lắk. Đi Hà Nam về, ông thu xếp tới hai tỉnh đó trước khi quay trở lại Sóc Trăng và Cần Thơ bấm máy hai phim “Biển lửa ngã Năm” và “Lộ vòng cung”.

3. Năm tuổi đã sống trong một nhà thờ ở Gia Lâm, được các sơ nuôi ăn, dạy chữ, hướng dẫn tập kịch. Từng ròng rã đi bộ từ Quảng Bình vòng sang đất Lào rồi mới ngược trở lại chiến trường Trị Thiên, không nghĩ đến ngày được trở về. Không học đạo diễn ngày nào nhưng đến năm 1987 được đạo diễn Huy Thành "ấn vào tay" một kịch bản, bảo làm đạo diễn. Làm phim chiến tranh nhưng không thích dùng kỹ xảo, “thường đánh nổ, vì làm kỹ xảo trông giả, xem không thích”. Sở hữu kho đạo cụ phục trang tích lũy từ khi bắt đầu làm phim chiến tranh, năm 1987 đến nay, trị giá 2 tỷ đồng với khoảng 3.500 bộ quần áo... Đó là những gì gắn với tên tuổi Trần Vịnh - người làm phim bằng cả trái tim mình, đã được trao 34 giải thưởng quốc gia và quốc phòng, được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phong tặng danh hiệu: “Người làm phim chiến tranh nhiều nhất Việt Nam”.

NSƯT Trần Vịnh là học viên khóa I Trường Nghệ thuật Quân đội. Năm 1967, ông tham gia đoàn Văn công quân giải phóng Trị Thiên. Ông từng công tác tại đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị và chuyển ngành vào năm 1984. Trước khi làm đạo diễn, Trần Vịnh đã đóng hơn 50 phim truyện điện ảnh, chủ yếu vào vai bộ đội.

Ngoài phim truyện truyền hình, NSƯT Trần Vịnh còn làm đạo diễn phim truyện điện ảnh với 3 phim “Chân trời nơi ấy” (đồng đạo diễn với NSND Huy Thành), “Phía sau cuộc chiến”, “Vườn đào năm ấy”, và 17 phim tài liệu, trong đó có các phim: “Lưu Hữu Phước - Nửa thế kỷ hùng ca”, “Châu Văn Liêm - Ngọc sáng Tây Đô”, “Hồn biển” (giành giải Bông sen Vàng - thể loại phim Tài liệu tại LHP Việt Nam năm 1995)...