Họa sĩ Hoàng Báu: “Vẽ tranh phong cảnh là làm thiên nhiên sống lại một lần nữa”

Thanh Hạnh 17:29, 01/05/2023

Nếu nói là “gạo cội” thì không hẳn, nhưng ở thời điểm hiện tại, Họa sĩ Hoàng Báu cũng thuộc thế hệ “cây đề” và có tầm ảnh hưởng nhất định trong làng hội họa Thái Nguyên. Anh được đào tạo chính quy, bài bản, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật (Yết Kiêu, Hà Nội) - Trường được xem là danh giá đối với giới đam mê, theo đuổi nghiệp vẽ.

 

Họa sĩ Hoàng Báu được giới trong nghề và nhiều văn nghệ sĩ đánh giá cao: Vững chuyên môn, vẽ đẹp nhưng lại rất khiêm tốn, không bao giờ “chém gió” để “khoe” về mình và được nhiều người biết đến, nể trọng bởi không chỉ qua các cương vị công tác của anh mà còn qua các cuộc triển lãm cá nhân, nhóm, triển lãm khu vực... 

Anh bảo, đam mê hội họa dường như đã ngấm vào máu của mình và nó cứ đeo bám vào kiếp vận, không thể bỏ được. Vậy nên, khi còn công tác ở Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao TP. Thái Nguyên, “cái máu” vẽ lúc nào cũng thường trực, hễ rảnh là vẽ và cứ thế anh vẽ khá nhiều. Trước lúc nghỉ hưu (năm 2019), anh là Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao thành phố và hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật TP. Thái Nguyên. 

Chiều buông (Hiện thực)
Chiều buông (Hiện thực).

Vào một ngày nghỉ cuối tuần, chẳng hẹn trước, bất chợt mấy anh em họa sĩ chúng tôi cùng xuất hiện tại Gallery (phòng trưng bày) của Họa sĩ Hoàng Báu. Gọi là Gallery cũng đúng, bởi anh dành hẳn một không gian khá rộng trên tầng 2 ngôi nhà mặt đường của mình (số 358, đường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên) để trưng bày, giới thiệu các tác phẩm hội họa. Và đây cũng là nơi mà anh muốn tạo ra một không gian riêng để anh em bạn bè thân hữu, các họa sĩ, văn nghệ sĩ và những người yêu thích hội họa lui tới thư giãn: Thưởng trà, nghe nhạc cổ điển, giao lưu đàn, sáo, ngắm tranh và đàm đạo về nghệ thuật...

Lướt mắt một vòng, tôi thấy có tới khoảng dăm sáu chục bức tranh từ khổ lớn cho đến vừa và nhỏ được treo trang trọng và còn rất nhiều tác phẩm khác đã hoàn thành hoặc đang vẽ dở xếp xung quanh mà chưa có chỗ treo. Phải thừa nhận, từ ngày nghỉ hưu, thảnh thơi, không bị ràng buộc gì, có điều kiện và thời gian để đi thực tế nhiều, cảm xúc thăng hoa và hứng thú vẽ cũng mạnh, nên để khỏa lấp đam mê, anh lao vào vẽ và vẽ rất nhiều. 

Tranh của anh chủ yếu là chất liệu sơn dầu, acrylic trên toan, thuộc các thể loại: Hiện thực, Trừu tượng, Ấn tượng... Anh nói: “Nghệ thuật là sáng tạo, nên dù ở thể loại nào thì cũng phải tìm tòi sáng tạo, tìm cách biểu đạt để nó trở thành phong cách riêng có của mình, để không na ná, để không giống ai. Và rồi để với lối vẽ không lẫn ấy, người xem tranh vẫn nhận ra các thể loại và tranh mình vẽ”. 

Đắm mắt vào mấy bức tranh trừu tượng, tôi hơi thắc mắc: Tranh trừu tượng của anh rất đẹp, sao anh vẽ ít vậy? Anh bộc bạch: Để vẽ được thể loại này đòi hỏi họa sĩ phải có tư duy cao hơn rất nhiều và cũng khó hơn về mọi “ngóc ngách” thể hiện của tranh. Vả lại mỗi người khi xem tranh lại có lối tư duy, nhìn nhận khác nhau, thế nên thể loại này không phải ai cũng cảm được hết để mà gần được và yêu thích nó. Còn ở thể loại Ấn tượng và Hiện thực thì vẫn hội tụ đủ yếu tố sáng tạo và nghệ thuật, người yêu tranh cũng dễ cảm và dễ gần hơn.

Chợ phiên Bắc Hà (Hiện thực).
Chợ phiên Bắc Hà (Hiện thực).

Tranh anh vẽ chú trọng khai thác, tìm các góc độ ngôn ngữ, như: Bố cục, màu sắc, bút pháp và cách thể hiện, làm cho mỗi bức tranh luôn có một ẩn số mới, một sắc thái mới, khác biệt. Thiên nhiên ở trong tranh được anh thể hiện chủ yếu là chủ nghĩa Hiện thực và Ấn tượng. Ở tác phẩm “Chiều buông”, với lối vẽ gợi cảm, ấn tượng, cách xử lý tinh tế giữa màu sắc và bút pháp, giữa không gian hư - thực, thực - hư, tạo ra những khác biệt, gây hiệu ứng thị giác và cảm xúc mạnh. Hay như 2 bức “Làng Bắc Sơn”, “Phố Cáo Đồng Văn”, màu sắc hài hòa, lung linh, có những điểm nhấn “đắt” trong tranh, tạo cảm giác êm, nhẹ, không gian, bố cục tạo hình đẹp, khiến người xem đứng trước tác phẩm như có cơ hội đang được chiêm ngưỡng một phong cảnh có sức sống chiều sâu.

Cũng vẫn tự anh bộc bạch: Quả thực, mình rất yêu thiên nhiên, coi thiên nhiên, coi cuộc sống như một cái duyên cớ và để rồi mỗi tác phẩm của mình vẽ về đề tài này chính là một lần nữa làm nó sống lại theo cách mà nó chưa có, nghĩa là sáng tạo lại thiên nhiên. Tình yêu thiên nhiên và lối suy nghĩ trong sáng tác của anh gợi tôi nhớ đến Danh họa Asaac Ilyich Levitan, họa sĩ phong cảnh người Nga. Ông từng nói một câu đại ý: “Xưa người ta quan niệm coi thiên nhiên là bậc thầy của các danh họa, nhưng nay danh họa là bậc thầy của thiên nhiên, bởi họ tạo ra một thiên nhiên mới mà thiên nhiên thực không có được”.

Về chợ (Ấn tượng).
Về chợ (Ấn tượng).

Chính vì vậy mà tranh của Họa sĩ Hoàng Báu một lần nữa tạo ra một đời sống, một thiên nhiên mới. Có thể cảm được qua 2 bức “Về chợ”, “Miền hoang” được thể hiện với bút pháp phóng túng, mạnh bạo, sử dụng những gam màu đối chọi, tung tẩy, đẩy cảm xúc thăng hoa đến tận cùng. Màu và sắc thái được thả vào tranh rất tự nhiên, khoáng đạt, lúc thì tươi tắn, lung linh, khi lại trầm ấm, êm dịu..., tạo ra một cảnh sắc mới, lạ và xa, xa mà lại gần. Đó là cách biểu đạt ngôn ngữ của hội họa Ấn tượng.

Ở thể loại Trừu tượng thì anh lại dày công hơn để khám phá, tìm kiếm ngôn ngữ và sự nhào lộn trong cái thế giới vô tận huyền bí, đầy ma lực, xen lẫn sự xô đẩy của muôn loài để tranh giành sự sống, giữa được và mất, giữa cái sáng và cái tối trong sự biến hóa đến tận cùng... 

Chiều sâu và âm sắc của màu, hình khối được nhào nặn theo tầng lớp, đan xen hòa quện giữa hư và thực, tạo ra đa chiều, đa lớp, với những nét gợi ảo, chen lấn cho cảm giác vô hình, lúc ẩn, lúc hiện, biến những hình thể, những chùm màu thành những cấu trúc đa chiều để lột tả sự biến hóa cách biểu đạt của màu sắc qua khuôn khổ, làm cho tranh hàm chứa tư duy trừu tượng, để rồi người chiêm ngưỡng nó phải mở rộng sức suy tưởng, ngẫm nghĩ, dẫn dắt cảm xúc thăng hoa tới tột cùng và thậm chí xa hơn cả tưởng tượng. Trừu tượng là thế. 

Khát vọng (Trừu tượng).
Khát vọng (Trừu tượng).

Trong số những bức tranh trừu tượng mà anh vẽ, bức nào cũng đẹp, nhưng có một bức tiêu biểu trong số này bởi nhiều người khi đến Gallary của anh đều ngưỡng mộ, thích thú và cũng rất muốn sở hữu luôn nó, đó là bức “Khát vọng” (kích thước khá lớn).

Câu chuyện giữa chúng tôi và anh rất thân tình, cởi mở, chẳng giấu giếm, cũng không có ý khoe để “oách”. Anh tiết lộ: Vừa rồi, một số người hâm mộ tranh của anh đã tìm đến với mong muốn được sở hữu tác phẩm và anh đã chuyển giao một lượng tranh, được vài trăm triệu đồng, có bức đến dăm chục triệu đồng, thấp nhất cũng 15 triệu đồng/bức. Thế mới thấy tranh của anh thuộc hàng “có giá”.

Tại triển lãm tranh của nhóm họa sĩ Thái Nguyên được tổ chức tại Nhà triển lãm mỹ thuật 16 Ngô Quyền (Hà Nội), khai mạc ngày 7/4/2023, Họa sĩ Hoàng Báu vinh dự được Hội đồng nghệ thuật chọn tranh tài trợ sáng tác. Đó là một tin vui. Nhưng có lẽ thông tin phấn khởi hơn mà anh cho biết thêm trước khi chúng tôi chào anh để ra về là: Anh vẫn đang tiếp tục vẽ để cố gắng sẽ có một lượng tranh “khủng” ra mắt công chúng yêu hội họa, vì trong kế hoạch, trung tuần tháng 10/2023 sẽ có triển lãm mỹ thuật cá nhân của Họa sĩ Hoàng Báu tại TP. Thái Nguyên...

Chúc cho kế hoạch của anh thành công, để người yêu tranh sẽ có dịp được thưởng thức hội họa mang phong cách Hoàng Báu.