"Một đất nước Việt Nam được thu nhỏ vào lòng thành phố Thép Thái Nguyên". Nhiều du khách trong nước, quốc tế khi đến thăm Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã có nhận xét như vậy. Bởi những tài liệu, hiện vật đang được bảo quản, trưng bày ở đây mang ý nghĩa đại diện cho nét đẹp văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em, thể hiện tinh thần đoàn kết, bền gan, cùng vượt khó...
Biểu diễn múa cồng chiêng tại khu trưng bày “Không gian văn hóa vùng Trường Sơn - Tây Nguyên”. |
Ngược dòng thời gian, nhiều bậc cao niên từng sống ở Thái Nguyên còn nhắc nhớ: Năm 1960, Thái Nguyên có 2 sự kiện mang tầm quốc gia. Thứ nhất là việc Công trường Khu Gang thép làm lễ khởi công bằng việc đổ bê tông móng lót lò cao số 1, mở ra một giai đoạn lịch sử của ngành Luyện kim hiện đại Việt Nam. Sự kiện thứ hai là việc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam được khởi công xây dựng. Bảo tàng có chức năng nghiên cứu, giáo dục nhằm phát huy vốn di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Mới đó đã hơn 60 năm trôi qua, thời gian không bị những rêu phong phủ mờ. Các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động làm việc tại Bảo tàng - lớp sau theo lớp trước bền bỉ gắn bó với công việc, để những tài liệu, hiện vật trở thành minh chứng về sức sống trường tồn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Theo lời hướng dẫn viên: Bảo tàng có không gian gần 40 nghìn m2, bao gồm 5 phòng trưng bày trong nhà, 6 công trình trưng bày ngoài trời, với gần 50.000 tài liệu, hiện vật giá trị về lịch sử, văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Thả bộ trong khuôn viên Bảo tàng, chiêm ngưỡng các công trình mô phỏng về từng vùng, miền đất nước, nhiều du khách trầm trồ khi được trải nghiệm từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Nhẩn nha bước, du khách chợt nhận ra ngay dưới chân mình là dòng suối róc rách mang nước tưới lên ruộng bậc thang, kề đó là bản làng của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc. Rồi một chợ phiên rực rỡ sắc màu của đồng bào người Mông, Dao, La Chí… Bước chân quên mỏi khi phấn chấn nhận ra màu đất đỏ Bazan, có nhà Rông của nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me. Tiếp đến là hình ảnh nhà Dài và dấu ấn mẫu hệ đậm nét tạo ra chất văn hóa rất riêng của các dân tộc Ê Đê, Chăm, Chu Ru...
Du khách tham quan Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. |
Không chỉ trưng bày, lưu trữ hiện vật, ở thời kỳ đất nước hội nhập với các nền kinh tế thế giới, Bảo tàng tiếp tục chung vai sẻ gánh cùng ngành Văn hóa cả nước bằng việc linh hoạt giới thiệu đến bè bạn quốc tế về bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Điển hình như tổ chức lễ hội gắn với người nông dân, thợ thủ công, trí thức qua chiếc cày, khung dệt thổ cẩm, trang giấy và không gian văn hóa dệt của các quốc gia ASEAN cũng như các quốc gia thuộc lưu vực sông Mê Kông.
Cùng với đó, Bảo tàng thường xuyên mời nghệ nhân truyền dạy các loại hình di sản văn hóa trình diễn phục vụ nhân dân, du khách như: Cồng chiêng Ba Na; múa đội nước Chăm; nhạc Ngũ âm; múa Lâm Tơi Khơ Me; múa Cầu mùa Khơ Mú; múa sạp Thái; múa Lăm vông (Lào)...
Một nét mới là những năm gần đây, Bảo tàng chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức trưng bày triển lãm theo chuyên đề gắn với hoạt động giáo dục trải nghiệm. Từng tour tham quan được Bảo tàng định hình, kết nối theo nhóm đối tượng, nghề nghiệp, lứa tuổi… Qua đó mở ra nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm như: Biểu diễn nghệ thuật; chiếu phim; trưng bày; cắm trại; tái hiện lịch sử; trải nghiệm văn hóa, văn nghệ dân gian...
Sự đổi mới trong cách làm của Bảo tàng được đánh giá phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, mang lại cho khách tham quan khoảng thời gian “bổ dưỡng”, ý nghĩa. Chí ít như một giờ học về các niên đại lịch sử; nét văn hóa độc đáo ngàn đời của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, hoặc một trải nghiệm lý thú tìm về quá khứ... Chính vì thế, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trở thành một điểm đến thân thiện trong lòng thành phố Thép.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin