Khi những nụ hoa đào, hoa mận bắt đầu chúm chím đón chào năm mới, cũng là lúc người Tày Định Hóa rậm rịch “kiểm đếm” lại những nông sản mà gia đình đã làm ra trước đó để chuẩn bị chế biến, thưởng thức trong những ngày Xuân. Những món ăn trong mâm cỗ ngày Tết của người Tày Định Hóa không chỉ thể hiện sự đủ đầy mà còn chứa đựng nét tinh túy, độc đáo riêng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vùng ATK.
Chị Ma Thị Lan, ở xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa) lựa chọn lá cẩm để chế biến các màu đặc trưng của xôi ngũ sắc. |
Theo giới thiệu của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Định Hóa, chúng tôi tìm đến xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc, gặp chị Ma Thị Lan. Chị Lan không chỉ là thành viên Câu lạc bộ hát Then mà còn là người khéo tay, có tiếng làm những món ăn dân tộc rất ngon ở đây. Chị cũng thường được mời tham gia các chương trình, lễ hội liên quan đến ẩm thực trên địa bàn huyện. Bản Quyên nhiều năm nay đã trở thành bản du lịch cộng đồng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến thực tế, trải nghiệm.
Trong ngôi nhà sàn truyền thống, bên ấm trà thoang thoảng đưa hương, chị Lan mộc mạc: Tôi vốn người bản địa (quê ở xã Bình Yên, làm dâu ở xã Điềm Mặc) nên vẫn còn giữ nguyên “gốc” Tày. Điều tôi thấy thú vị là những món ăn của người Tày Bản Quyên lâu nay không chỉ phục vụ cho gia đình, người thân họ hàng (nhất là vào dịp Tết) mà còn được rất nhiều thực khách thưởng thức, khen ngợi mỗi khi đến du lịch Bản Quyên.
Theo chị Lan, người Tày Định Hóa mỗi năm có nhiều cái Tết như: Nguyên đán, Tháng 3, Tháng 7, Cơm mới… và mỗi Tết lại có những món ăn đặc trưng riêng. Tuy nhiên, cũng như những dân tộc khác, Tết Nguyên đán là cái Tết to nhất, quan trọng nhất và có nhiều món ăn được chế biến nhất trong dịp này. Và tất nhiên, bánh chưng là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ tất niên hay cúng gia tiên đêm giao thừa.
Bánh chưng của người Tày Định Hóa lại có những đặc trưng riêng. Vẫn là lá dong xanh rửa sạch, cho gạo nếp rải đều lên lá, cho thêm đỗ và thịt ba chỉ, gấp 2 mép của lá dong lại làm sao để tạo nên hình dáng gù cho chiếc bánh. Nhìn vậy, nhưng để tạo được hình dáng đặc thù này, nó đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo léo của đôi bàn tay người gói, bởi nếu không bánh sẽ mât cân đối, sau mới dùng lạt buộc lại.
Nguyên liệu để làm ra chiếc bánh chưng được chọn lọc, giữ lại sau vụ thu hoạch như: lúa nếp cái hoa vàng, đỗ xanh, thịt lợn. Lá dong trồng ngoài vườn hoặc hái trong rừng. Điều mang ý nghĩa đặc biệt hơn là lúc các thành viên gia đình cùng nhau làm các công đoạn gói và ngồi quây quần bên bếp lửa đun bánh trong đêm giao thừa tạo cảnh xum vầy, ấm cúng. Khi chiếc bánh thơm nồng nghi ngút khói được vớt ra, đem bày mâm cúng tổ tiên cùng những món ăn khác, càng làm cho không khí Tết thêm thiêng liêng.
Xôi ngũ sắc không chỉ là món ăn đặc trưng truyền thống của người Tày trong những dịp lễ, Tết mà còn được quảng bá, trình diễn rộng rãi tại các lễ hội ẩm thực. |
Bên cạnh bánh chưng thì xôi ngũ sắc cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày lễ, Tết của người Tày. Với 5 màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng tượng trưng cho ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ, người Tày quan niệm 5 yếu tố này tạo nên sự hòa hợp, tương sinh của đất trời. Bởi vậy, với họ mỗi dịp lễ, Tết được ăn xôi ngũ sắc sẽ mang lại nhiều điều may mắn, tốt lành, ấm no.
Chị Lan chia sẻ: Hạt gạo để làm xôi ngũ sắc cũng phải là nếp cái hoa vàng (trước đây thường là nếp nương) có độ dẻo, thơm đặc trưng, hạt to đều. Để làm ra món ăn đủ màu mất rất nhiều công và cần sự kiên trì, khéo léo của người chế biến, nhất là quá trình tạo màu, bởi nó được sử dụng hoàn toàn bằng các nguyên liệu từ tự nhiên.
Theo đó, màu trắng là màu nguyên gốc của hạt gạo. Màu vàng được tạo bởi nước củ nghệ trộn với gạo nếp đã ngâm. Màu đỏ được tạo bởi lá cẩm (đỏ), rửa sạch đun lấy nước rồi cho gạo vào ngâm. Màu xanh lại được tạo ra từ một loại lá cẩm khác, giã nát kết hợp với gio đốt từ rạ cây lúa nếp sau đó chắt lọc lấy nước để ngâm gạo. Cũng từ loại nước được tạo ra bởi hai thứ nguyên liệu này đem đun lên rồi mới ngâm gạo thì khi đồ lên xôi sẽ có màu tím.
Ngoài hai món ăn trên có thể kể đến những món ăn khác như canh măng khô, nộm hoa chuối, cơm lam, lạp sườn, bánh trứng kiến, bánh khảo, bánh dày gấc… được làm theo mùa, từng dịp lễ, Tết hoặc quanh năm - chị Ma Thị Lan chia sẻ.
Ẩm thực ngày Tết của người Tày Định Hóa rất phong phú đa dạng, mang đậm nét đặc trưng dân tộc bởi hầu hết đều do bà con tự trồng, chăn nuôi, bảo quản hoặc hái lượm từ tự nhiên và tự tay chế biến, tạo nên món ăn truyền thống, lưu truyền qua bao đời nay. Bởi vậy, để có một mâm cỗ thịnh soạn, đủ đầy cho ngày Tết, bà con phải chuẩn bị rất kỹ.
Chẳng hạn như nuôi lợn Tết, có gia đình lên kế hoạch nuôi 1-2 con lợn ngay từ đầu năm, chăm sóc chu đáo cho thật béo tốt. Nguyên liệu từ con lợn này sẽ được chế biến thành rất nhiều món ăn đặc trưng khác nhau, như lạp sườn, giò thủ, thịt treo gác bếp (thịt hun hói)… Với mỗi món ăn ấy, bà con lại có những cách thức chế biến rất riêng, mang hương vị riêng. Và những món ăn này lâu nay không chỉ dành riêng cho gia đình, khách đến chơi, mà còn trở thành những món quà đặc sản vùng miền không ngừng vươn xa.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin