Để mạch nguồn văn hóa Dao chảy mãi

Thu Huyền  17:43, 03/02/2024

Lớn lên bằng những lời ca, câu hát của đồng bào; biết thêu khăn, thêu váy từ thuở còn chăn trâu, cắt cỏ…, dường như hồn cốt của văn hóa đồng bào dân tộc Dao Quần Chẹt đã "ngấm" sâu vào tâm hồn chị Dương Thị Kim Cảnh, ở xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên (Đại Từ). Để rồi khi lớn lên, chị đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để gìn giữ, lan tỏa những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến nhiều người và nhiều vùng miền khác nhau.

Chị Dương Thị Kim Cảnh cùng một số thành viên Ban vận động thêu may trang phục Dao.
Chị Dương Thị Kim Cảnh cùng một số thành viên Ban vận động bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Quần Chẹt xóm Tân Lập thêu may trang phục Dao.

Cô giáo dạy văn hóa Dao

Mưa, kèm theo cái rét ngọt cuối tháng Chạp theo chân chúng tôi men theo con đường ngoằn ngoèo vào Tân Lập - xóm có 100% người dân đồng bào dân tộc Dao của xã Phú Xuyên. Trong căn nhà đơn sơ, chị Dương Thị Kim Cảnh niềm nở tiếp đón chúng tôi. Quả thực, trong thâm tâm tôi xem cuộc gặp gỡ này là “may mắn”, bởi sau rất nhiều lần lỡ hẹn, nay tôi mới được gặp chị. Lý do là bởi chị Cảnh thường có những chuyến công tác xa nhà, có khi kéo dài đến vài tháng, ở các tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang, Lạng Sơn, Yên Bái…

Chị Cảnh chia sẻ: Từ đầu năm 2023, tôi cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, thuộc Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, đồng thời tham gia giảng dạy tiếng Dao cho lực lượng Công an, bộ đội Biên phòng tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Trung bình mỗi khóa học kéo dài 4-5 tháng. Bên cạnh đó, từ năm 2021, tôi cũng hợp tác với Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ) để tham gia giảng dạy về văn hóa dân tộc Dao cho các em học sinh.

Chị Dương Thị Kim Cảnh giới thiệu về văn hóa của đồng bào dân tộc Dao trong một tiết giảng ở Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ).
Chị Dương Thị Kim Cảnh giới thiệu về văn hóa của đồng bào dân tộc Dao trong một tiết giảng ở Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ).

Hiện đang làm nghề bốc thuốc Nam nhưng việc đứng trên bục giảng hay soạn giáo án không làm khó được chị Cảnh. Bởi chị đã có thâm niên giảng dạy gần 10 năm tại Trường Tiểu học Hoàng Nông. Sau đó, chị chuyển vào miền Trung sinh sống, rồi lại trở về quê hương và nối nghiệp bốc thuốc Nam của gia đình.

Chị Cảnh kể: Nghề bốc thuốc Nam của gia đình tôi có từ thời bà nội, rồi truyền lại cho con, cháu. Đây cũng là một trong những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao đã được lưu giữ qua nhiều đời.

Dành trọn tâm huyết

Ngoài các bài thuốc quý, chị Cảnh còn mong muốn lưu giữ, truyền bá nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc của đồng bào Dao đến nhiều người. Chị kể: Thời điểm mới trở về quê hương, điều khiến tôi trăn trở nhất đó là tiếng Dao đang ngày càng trở lên xa lạ với các em nhỏ. Còn việc may vá, thêu thùa lại chỉ trông vào một số cụ bà trong làng. Trong một số ngày lễ lớn, số người mặc trang phục Dao cứ ngày một thưa vắng.

Các họa tiết trên trang phục của đồng bào dân tộc Dao được thêu tỉ mỉ.
Các họa tiết trên trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Dao được thêu rất tỉ mỉ.

Từ lo lắng đó và được sự định hướng của cán bộ văn hóa địa phương, chị Cảnh đã biên soạn giáo trình phục vụ việc truyền dạy tiếng Dao cho người dân trong xóm. Đến đầu năm 2022, chị Cảnh quyết định thành lập Ban vận động bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Quần Chẹt xóm Tân Lập (viết tắt là Ban vận động) gồm 12 thành viên. Hàng ngày, các thành viên tìm đến tận nhà những bậc cao niên, người có kinh nghiệm, am hiểu văn hóa Dao để sưu tầm, vận động mọi người chung tay gìn giữ văn hóa dân tộc.

Đến nay, Ban vận động đã phát triển lên 30 thành viên. Trong các buổi sinh hoạt, các cụ bà, các cô, các chị được phân công hướng dẫn kỹ thuật may, thêu và kèm cặp các cháu nhỏ hát dân ca Dao cùng một số điệu múa truyền thống như: múa chuông, múa kiếm, múa đao... Các cụ ông, các anh, các chú thì dạy chữ Nôm Dao cho bọn trẻ và người muốn học chữ trong vùng...

Tiếp tục lan tỏa

Trò chuyện với chúng tôi, chị Cảnh bộc bạch: Sự hào hứng, thích thú của học trò khi thêu được một bông hoa, một cái cây hay thành thạo làn điệu Pả Dung… đã truyền thêm nhiệt huyết cho tôi để tiếp tục gìn giữ, lan tỏa văn hóa dân tộc mình đi xa hơn nữa. Trên cơ sở hoạt động của Ban vận động, đầu năm 2024, chúng tôi sẽ chính thức ra mắt Câu lạc bộ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao Quần Chẹt xóm Tân Lập, với mong muốn hoạt động bài bản, hiệu quả hơn nữa trong nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy miễn phí văn hóa truyền thống đến với cộng đồng.

Chị Dương Thị Kim Cảnh: Người Dao mà không biết nói tiếng Dao, không biết điệu hát của người Dao, con gái trước khi về nhà chồng không biết tự may, thêu trang phục cho mình như trước... thì buồn lắm chứ!
Chị Dương Thị Kim Cảnh: "Người Dao mà không biết nói tiếng Dao, không biết điệu hát của người Dao, con gái trước khi về nhà chồng không biết tự may, thêu trang phục cho mình như trước... thì buồn lắm chứ".

Đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Phú Xuyên, đánh giá: Những việc làm của chị Cảnh cùng Ban vận động đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao. Đây là yếu tố quan trọng giúp đồng bào Dao ở Tân Lập bảo tồn, lưu truyền được mạch nguồn văn hóa của dân tộc đến các thế hệ sau.

Về phía địa phương luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích hoạt động của Ban vận động. Trong các dịp lễ, Tết ở địa phương, xã cũng lồng ghép tuyên truyền và đưa các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao vào trình diễn trong các chương trình văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng…