Hoàn thành Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử đền Cột Cờ

Hoàng Hải (TP. Thái Nguyên) 19:49, 31/01/2024

TP. Thái Nguyên vừa tổ chức Lễ khánh thành Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử cấp tỉnh đền Cột Cờ, ở phường Trưng Vương.

Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử đền Cột Cờ vừa được hoàn thành.
Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử đền Cột Cờ vừa được hoàn thành.

Đền Cột Cờ là công trình sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đã tồn tại lâu đời. Theo dấu tích lịch sử để lại, từ thế kỷ XVI (khoảng năm 1592), tàn dư của nhà Mạc chạy lên các tỉnh phía Bắc. Vào thời điểm này, một nữ tướng nhà Mạc đã cắm cờ lập doanh trại tại đây để luyện quân, chống lại tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh. Khi quân của bà rút đi, người dân đã đắp một ngôi đền nhỏ bằng đất để thờ vị nữ tướng này, dân gian truyền gọi là thờ Bà Chúa Bản Tỉnh và ngôi đền có tên là đền Cột Cờ.

Năm 1917, trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, nơi đây là hậu cứ của nghĩa quân, cũng là điểm tập kết lương thực và vũ khí. 

Trải qua thời gian, đền Cột Cờ đã xuống cấp, khuôn viên cảnh quan chưa tương xứng với giá trị của Di tích lịch sử. Được sự nhất trí của UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND TP. Thái Nguyên, đền Cột Cờ đã được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Theo đó, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long là nhà tài trợ và làm chủ đầu tư thực hiện Dự án, với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng.

Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long tài trợ 10 tỷ đồng cho Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử đền Cột Cờ.
Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long tài trợ 10 tỷ đồng thực hiện Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử đền Cột Cờ.

Sau một thời gian thi công, đến nay Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử đền Cột Cờ đã được hoàn thiện, đưa vào sử dụng. Dự án được hoàn thành góp phần bảo tồn di sản văn hóa - lịch sử, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân địa phương; phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, giới thiệu lịch sử - văn hóa, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu khoa học và phục vụ du khách tham quan. 

Đền Cột Cờ sau khi được cải tạo gồm 2 tầng, khuôn viên rộng 240m2, có nơi thờ tự ở tầng 2; tầng 1 là nơi nghỉ ngơi của du khách.