5 giờ sáng, khi mặt trời còn chưa tỏ, chị Đỗ Thị Minh Huế, xóm Cây Thị, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) đã dậy để chuẩn bị cho ngày quan trọng - Tết “bàn thờ lớn” của dòng họ Dương. Năm đầu tiên bàn thờ lớn được chuyển về nhà, lại là con dâu trưởng trong gia đình người Dao, chị Huế muốn chu toàn mọi việc. Chị bảo: “Khác với Tết của người Kinh, đồng bào Dao bắt đầu đón Tết từ gia đình, dòng họ, với khởi đầu từ nhà đặt bàn thờ lớn. Đây là dịp để chúng tôi tạ ơn tổ tiên, mong cầu một năm mới thuận lợi, gặp nhiều may mắn và cũng là nét văn hóa đặc sắc của người Dao ở địa phương...”.
Chị Đỗ Thị Minh Huế gói bánh chưng để chuẩn bị cho lễ cúng Tết "bàn thờ lớn". |
Nhanh tay vấn búi tóc, chị Huế mở nồi bánh chưng luộc suốt đêm và vớt bánh. Vừa làm chị vừa nói: Từ 2 tháng trước, gia đình tôi đã phải chọn ngày và mời thầy đến cúng Tết. Từ đầu tháng Chạp, người già, trẻ nhỏ trong nhà sẽ cũng nhau cắt giấy màu để trang trí bàn thờ lớn thật đẹp, thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên. Màu giấy được sử dụng trong trang trí bàn thờ chủ yếu là đỏ và vàng, với ý nghĩa mang lại hạnh phúc, may mắn, sự đủ đầy và tạo ra năng lượng tích cực cho con người. Còn chiều hôm qua, nhà tôi cũng thịt lợn, gói bánh chưng dài để hôm nay vớt bánh cho kịp giờ cúng lễ. Tết "bàn thờ lớn" quan trọng với người Dao lắm! Bởi vậy, dù là người Kinh, nhưng 32 năm về làm dâu trong dòng họ giúp tôi hiểu rõ những phong tục tập quán của dân tộc Dao. Và Tết “bàn thờ lớn” gần như là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của chúng tôi.
Bàn thờ lớn của người Dao được trang trí bắt mắt, thể hiện lòng hiếu kính với tổ tiên. |
Theo phong tục, người Dao ở Cây Thị ăn Tết “bàn thờ lớn” trong thời gian từ ngày 15 đến ngày 30 tháng Chạp. Tùy điều kiện của mỗi gia đình, người Dao sẽ chọn ngày tổ chức phù hợp rồi thông báo cho các gia đình trong dòng họ đến ăn Tết. Gọi là Tết “bàn thờ lớn” vì lễ được tổ chức tại gia đình đặt bàn thờ lớn của dòng họ. Gia đình này cũng không cố định, mà được chuyển qua các nhà trong dòng họ theo vai vế cha – con, anh – em... Điều kiện để một gia đình được rước bàn thờ lớn về nhà là gia chủ đã làm lễ Cấp sắc. Ở Cây Thị, nhiều dòng họ lớn như Bàn, Triệu, Dương… có thể lên đến hàng chục gia đình, nên Tết “bàn thờ lớn” được tổ chức rộn ràng, với sự có mặt của đông đủ con, cháu. Sau khi ăn Tết ở gia đình đặt bàn thờ lớn xong, các gia đình trong dòng họ mới tổ chức đón Tết tại nhà riêng, gọi là Tết “bàn thờ nhỏ”.
…Hơn 6 giờ sáng, mọi người trong họ kéo đến nhà chị Huế để giúp sức. Nhanh tay xách con gà, chai rượu đem từ nhà vào bếp, chị Triệu Thị Thắm mau mắn: “Đây là phong tục rồi! Vào Tết “bàn thờ lớn”, mỗi gia đình trong dòng họ sẽ mang 1 con gà ngon, 1 chai rượu đến nhà có bàn thờ lớn để làm lễ cúng. Con gà trống thiến này tôi nuôi cả năm, thịt chắc nịch nên mang đến để dâng cúng tổ tiên”. Nói rồi chị Thắm đi thẳng vào bếp. Sau nữa là nam nữ, già trẻ, vừa đến nơi mỗi người một tay, một chân để làm đồ cúng lễ và nấu cơm trưa ăn Tết.
Đàn ông người Dao làm tiền âm từ giấy bản để thực hiện nghi thức cúng lễ trong Tết "bàn thờ lớn". |
Khác với tiếng nói cười, tiếng dao thớt, nôi niêu ồn ào ở ngoài sân, trong nhà, ông Dương Phú Hây, Trưởng dòng họ đang tỉ mẩn làm tiền âm bằng giấy bản. Tiền âm của người Dao không mua sẵn, mà phải được tự tay đàn ông trong nhà làm ra. Tiền được làm bằng giấy bản trắng, cắt nhỏ, rồi đóng dấu mộc, tượng trưng cho việc in tiền. Vừa làm tiền âm, ông Hây rủ rỉ: Dòng họ tôi làm Tết “bàn thờ lớn” sau cùng của xã, vì muốn chờ con cháu ở xa cùng về. Mỗi năm một lần, ngày này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà con để con cháu trong dòng họ tụ họp, mong cầu một năm mới bình an và cũng là để hướng về cội nguồn, truyền thống gắn bó trong gia đình.
“Người Dao coi cúng bán thờ là một việc làm có liên quan đến vận mệnh của mỗi người, mỗi dòng họ và cả cộng đồng.” – vừa đến nơi, thầy cúng Đặng Văn Tiên, được gia đình mời đến giúp làm lễ, góp lời. Theo thầy cúng, lễ vật để cúng trong Tết “bàn thờ lớn” không hề cầu kỳ. Chỉ bao gồm gà, rượu do các gia đình trong họ mang đến, bánh chưng, gạo. Ngoài ra bắt buộc phải có tiền âm được làm bằng giấy bản. Trong lễ cúng tổ tiên, người Dao không dùng hương mà dùng vỏ cây hương lấy từ trong rừng về phơi khô, khi làm lễ thì châm lửa từ bếp, sau đó đặt vào một cái bát trên bàn thờ.
Thầy cúng thực hiện nghi thức cúng lễ trong Tết "bàn thờ lớn". |
Sau khi tất cả những lễ vật được bày trước bàn thờ lớn, thầy cúng sẽ đại diện cho gia chủ báo cáo quá trình một năm lao động; cảm ơn tổ tiên đã bảo vệ phù hộ cho mọi người được khoẻ mạnh, may mắn và bình an. Bài cúng cũng rất đơn giản, gồm mời tổ tiên về ăn Tết, báo cáo những việc đã làm được trong năm qua, mời ăn, mời rượu, mời trà… Trong lúc làm lễ, trưởng họ đứng cạnh thầy cúng để giúp đỡ một số công việc. Nửa chừng làm lễ, gia chủ ra vườn hái một số cành cây và mang ra một cây búa để thầy cúng làm lễ nhằm xua đuổi tà ma, cầu mong may mắn. Sau khi cúng bàn thờ lớn ở nhà chính, thầy cúng còn làm lễ ở bếp với đĩa thịt gà, thịt lợn, bát gạo. Sau cùng, gia chủ đặt một phần tiền bán lợn trong năm vào một chiếc nia để thầy cúng làm lễ, cầu cho năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà phát triển.
Các thành viên trong dòng họ chung tay chuẩn bị mâm cỗ Tết. |
Trong tiết trời se lạnh của mùa Xuân, khi cơn mưa phùn lất phất, đọng những hạt sương trên cánh hoa đào phai trong vườn nhà chị Huế, buổi cúng lễ kết thúc. Lúc này, anh em trong dòng họ đã có mặt đông đủ, nhanh tay dọn mâm để chuẩn bị ăn Tết. Ai cũng mau mắn xắn tay cùng làm. Người chặt gà, người cắt nem, lũ trẻ thì bày bát đũa, kê bàn ghế… Lát sau, tiếng nói cười rộn ràng, những câu chúc tụng ý nghĩa được gửi đến nhau. Không khí sum vầy thoáng chốc tràn ngập khoảng sân nhỏ…
Sau một năm lao động cần mẫn, người Dao ở Cây Thị lại tổ chức đón Tết theo cách rất riêng. Giữa bộn bề của cuộc sống, người Dao luôn tự hào khi những bản sắc văn hoá của dân tộc mình không bị mai một mà được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác một cách bền vững. Hay nói như ông Dương Phú Hây rằng: “Giá trị văn hóa của người Dao không chỉ là những nghi lễ truyền thống mà còn là tình cảm gắn bó trong gia đình, cộng đồng. Chúng tôi yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cùng gắn bó để tạo ra của cải, nhà khá giúp đỡ nhà khó, để cũng đưa cộng đồng người Dao ngày càng phát triển…”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin