Mảnh vườn con của nhà tôi bé xíu, đất hơi cằn cỗi, lổn nhổn sỏi nên bị bỏ hoang cho cỏ mọc. Chỗ ấy một hôm tự dưng mọc lên cây cà dĩa. Cây cà nhỏ nhưng lấn chen cùng cỏ dại ra sức vượt lên.
Được tưới tắm mấy trận mưa đầu mùa cà ta nhanh chóng vươn cao, xòe ngang những chiếc lá tròn cỡ bàn tay xanh sẫm. Ba trông thấy bảo, đất này có lẽ hợp trồng cà dĩa. Từ hôm ấy ba thành "đồng minh" với cây cà. Đi làm về lại tranh thủ ra vườn cuốc bỏ đám cỏ dại lâu năm quanh gốc cà. Lưỡi cuốc đụng sỏi kêu choang choảng, kệ, ba cứ cần mẫn từng nhát một.
Một tuần trôi qua, tôi đi học về thấy mảnh vườn đã hết cỏ, duy nhất còn anh cà dĩa đứng lắc lư. Phiên chợ sau, mẹ đi chợ mua mớ cà con về cho ba trồng thêm vào vườn.
Tôi nhìn những cây cà non yếu ớt nhỏ nhoi nghĩ bụng: Biết đến khi nào chúng mới lớn? Hình như đoán được suy nghĩ của tôi, ba bảo: Đừng lo, chúng lớn nhanh lắm…
Ba nói không sai, hơn tháng rưỡi cà bắt đầu đơm hoa. Những nụ hoa trổ ngang thân cành hoặc từ nách lá dần nở bung khoe sắc tím. Đến lúc ấy tôi mới thật sự biết thế nào là “Tím hoa cà”. Sắc tím dụ bướm ong bay vào vườn thụ phấn giúp hoa đậu quả.
Đến lúc thu hoạch, mẹ ra vườn cà mang theo cây kéo và chiếc rổ, chọn quả vừa ăn mẹ cắt cuống bỏ vào rổ mang về. Cà dĩa dễ ăn do có vị ngọt, chế biến được nhiều món ngon, nhưng quen thuộc nhất vẫn là món cà luộc hoặc hấp chín đem dằm nát với mắm tỏi ớt. Cái vị ngọt của cà dĩa đặc biệt lắm, hơi giống vị ngọt thịt cá, ít thứ rau củ nào sánh kịp…
Ngày nhỏ tôi mê món cà dĩa non thái mỏng trộn rau sống chấm mắm nêm, nhưng mẹ không cho ăn nhiều, sợ nhựa cà làm hỏng răng. Ba mẹ mất đã lâu, vườn cà cũng không còn, nhưng sở thích "cà sống mắm nêm" tôi vẫn giữ. Thi thoảng được thưởng thức món ăn ngày xưa, vườn cà tuổi thơ lại ùa về trong ký ức…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin