"…Ta tới núi xanh và suối bạc
Ngang trời Tam Đảo đứng nghiêng nghiêng
Ôi Cao Vân,Phú Minh,Quảng Nạp
Trái tim ta đập ở Thái Nguyên..."
(Quê hương Việt Bắc - Nguyễn Đình Thi)
Trong buổi giao lưu của các cựu sinh viên khoá 20 Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được tổ chức tại Đà Lạt mới đây, có sự hiện diện của mấy vị khách quý đến từ các trường đại học và cao đẳng ở Đà Lạt. Nghe giới thiệu tôi là người Thái Nguyên nên câu chuyện về ATK cũng khá rôm rả.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi (thứ 3 từ trái sang) tại trụ sở Hội Văn nghệ cứu quốc ở xóm Chòi, xã Mỹ Yên (Đại Từ) năm 1949. Ảnh: T.L |
Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Hữu Biên, Chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Đà Lạt, nói: Với bài thơ Quê hương Việt Bắc thì nhà văn Nguyễn Đình Thi đã nói cho Thái Nguyên quá đủ. Chợt nhớ ra điều gì đó, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (K20), thốt lên: Nhanh thật! Nhà văn,nhà văn hoá lớn của chúng ta ra đi cũng đã 20 năm…
Và tôi - không lý gì lại không viết chút ít về Nguyễn Đình Thi. Nhất là chỉ vài hôm nữa, ngày 18-4, kỷ niệm 20 năm ngày ông ra đi mãi mãi…
Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi sinh năm 1924 ở Luông Pra Băng (Lào), do cha ông là một viên chức Sở Bưu điện Đông Dương, từng sang làm việc bên ấy. Những năm 1940, ông tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc. Năm 1945, ông tham dự Hội nghị Quốc dân Tân Trào, sau đó được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Nhiều năm công tác tại chiến khu Việt Bắc, lâu nhất (giai đoạn 1949-1951) ông làm việc tại Hội văn nghệ Cứu quốc, đặt tại xóm Chòi, xã Mỹ Yên (Đại Từ). Ông thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình. Ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.
Sau năm 1954, ông tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật. Từ năm 1958 đến năm 1989 làm Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật. Ông mất ngày 18/4/2003 tại Hà Nội.
Phong cách sáng tác văn nghệ nói chung của Ngyễn Đình Thi là giản dị, giàu tính triết lý, tình yêu quê hương đất nước, dân tộc. Trong một đêm đầu năm 1947, lúc bắt đầu những ngày khói lửa ở Hà Nội, ông đã cho ra đời "Người Hà Nội" - kiệt tác âm nhạc vào hàng hay nhất và lớn nhất của âm nhạc Việt Nam thế kỷ XX. Thơ là một trong những lĩnh vực mà Nguyễn Đình Thi tâm huyết nhất, ông dành nhiều thời giờ để tìm tòi, khám phá, đổi mới hướng đi và sáng tạo, mang đậm phong cách Nguyễn Đình Thi. "Bài thơ Hắc Hải" là một ví dụ:
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mù che đỉnh Trường Sơn sớm chiều
…Đất nghèo nuôi những anh hùng
Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên
Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”
Sáng tác của Nguyễn Đình Thi gắn bó chặt chẽ với hoạt động cách mạng. Ông có đóng góp rất lớn trong việc cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân ta qua các cuộc kháng chiến. Với bài thơ dài Quê hương Việt Bắc, Nguyễn Đình Thi đã miêu tả đậm nét không chỉ địa danh mà là những cốt lõi của tình yêu đất nước, niềm tin vào thắng lợi và Bác Hồ kính yêu
Vì sao lại “Trái tim ta đập ở Thái Nguyên”?
Vì nơi đó là trung tâm của kháng chiến, nơi đó có Bác Hồ vĩ đại.
"Một nhà sàn đơn sơ vách nứa
Bốn bên suối chẩy cá bơi vui
Đêm đêm cháy hồng bếp lửa
Ánh đèn khuya còn sáng trên đồi
Nơi đây sống một người tóc bạc
Người không con mà có triệu con
Nhân dân ta gọi Người là Bác
Cả đời người là của nước non…”
(Quê hương Việt Bắc)
Hơn 70 năm trước, Nguyễn Đình Thi đã nói hộ lòng người Việt Bắc, người Thái Nguyên. Giới thiệu lại bài thơ Quê hương Việt Bắc của Nguyễn Đình Thi, trong nhóm những bài thơ hay thế kỷ XX vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày ông đi xa như một hành động tri ân với nhà văn hoá lớn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin