Thi thoảng, tôi vẫn nhớ lại một chuyện cũ, hơn bốn mươi năm về trước.
Minh họa: Thanh Hạnh |
Vùng quê tôi có con sông đào đỏ ngầu phù sa. Vào những năm đất nước còn chiến tranh, tôi học lớp 2 trường làng. Ngày đó sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tính công ghi điểm. Người lớn bận việc đồng áng, trẻ con chúng tôi thì đảm nhận việc chăn trâu bò. Tôi hơi buồn vì chỉ được hợp tác phân công chăn một con bò nhỏ chứ không được chăn những con trâu oai vệ như thằng Tuấn, thằng Đại. Đã thế, giống bò lại kén ăn chứ không ăn tạp như trâu nên có lần tôi dắt bò vào bờ cỏ non giữa hai ruộng lúa. Dây chạc đứt, tôi hoảng sợ chạy đi cầu cứu bác Bằng đang làm cỏ gần đó:
- Bác ơi! Giúp cháu với ạ.
Líu lưỡi, mếu máo nói không thành lời, tôi chỉ vào con bò đang đưa lưỡi liếm ngọn lúa thì bác hiểu và chạy lại ngay. Con bò tôi chăn dường như chỉ sợ người lớn, nó ngoan ngoãn bước ra khỏi ruộng lúa. Tôi líu ríu cảm ơn:
- Hôm nay không có bác thì nhà cháu bị trừ hết điểm bác ạ.
Bác Bằng xoa đầu tôi cười:
- Các con còn bé biết giúp đỡ gia đình là ngoan rồi.
Nghe bác khen thế nhưng trong lòng tôi rất buồn. Hàng ngày tuy vẫn ra đồng chăn bò nhưng tôi không có “tiếng nói” với nó. Nỗi buồn này cũng là nỗi buồn chung của lũ trẻ trâu chúng tôi, chỉ trừ thằng Tuấn. Con trâu nhà thằng Tuấn tuy không quá to nhưng hiền, không bao giờ gây hấn với bất cứ con trâu nào trong làng. Có được điều đó có lẽ vì thằng Tuấn có thể “nói chuyện” được với con trâu của mình.
Ngày đó quê tôi nhiều phong trào thi đua nhưng sôi nổi nhất là thi “Trâu khỏe, trâu đẹp”. Những con trâu được các gia đình chăm sóc kỹ lưỡng, tắm sạch sẽ, da đen bóng, bụng căng tròn, khoác trên mình áo số, đi bên cạnh là những chủ nhân cũng là bạn bè tôi, nhìn hãnh diện lắm. Tôi tiếc ngẩn ngơ vì nhà tôi không có trâu để được thi như các bạn.
Năm ấy, thằng Tuấn bạn thân của tôi được giải. Mắt nó rạng ngời lên khi bác chủ nhiệm hợp tác xã xướng tên:
- Trâu số 19… do cháu Nguyễn Thanh Tuấn chăm sóc đoạt giải nhất.
Cả hội thi râm ran tiếng trầm trồ khen ngợi. Mọi người đến sờ nắn vuốt ve con trân được giải. Hình như cũng cảm nhận được sự hân hoan ấy, nó cọ cọ cái sừng đen bóng vào chủ nhân đứng bên cạnh như thầm cảm ơn. Lúc này, không ai để ý đến thằng Đại, chủ nhân con trâu số 15 đứng cạnh đó, con trâu nó chăn dắt bị loại từ vòng đầu. Nó không phục quyết định của ban giám khảo. Con trâu của nó to khỏe hơn con trâu của thằng Tuấn nhiều. Hơn nữa, trong mỗi lần “tỷ thí” với các đối thủ trong, ngoài làng, con trâu của nó luôn chiến thắng. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong Đại: Sẽ có ngày nó cho con trâu húc lòi ruột con trâu của thằng Tuấn để mọi người trắng mắt ra.
Tan hội thi, thằng Đại ấm ức dắt trâu về. Vừa ra khỏi sân kho hợp tác nó cầm cây roi tre vung lên quật mạnh vào mông trâu. Chừng như con trâu cũng cảm nhận bị đòn oan, nó bỗng bứt dây lồng lên làm Đại phải chạy đuổi theo, may có sự hỗ trợ của người đi đường con trâu mới chịu dừng lại, nhưng mắt đỏ ngầu, nhìn chủ nhân một cách tức tối.
Buổi chiều, hội chăn trâu bò chúng tôi tụ họp. Thằng Tuấn được bố mẹ thưởng quả mít chín mang ra khao. Chúng tôi đang xúm xít quanh quả mít thơm lừng múi vàng óng thì có tiếng kêu thất thanh:
- Cứu… Cứu … Cứu!
Tiếng của thằng bé bên bờ sông gào to. Đến gần, được thằng bé vừa kêu cứu kể lại mới biết, lúc nãy thằng Đại ngồi trên lưng trâu đi trên bờ đê, không để ý bên kia sông có một con trâu làng bên xuất hiện. Con trâu bất thần hất Đại xuống sông, bơi sang đuổi theo tình địch. Mối hiềm khích với con trâu kia lâu nay vẫn âm ỉ trong lòng con trâu của Đại, giờ có dịp bùng lên. Chúng tôi đã từng được chứng kiến vài tháng trước trận chiến không phân thắng bại diễn ra mấy tiếng đồng hồ giữa hai con trâu này.
Từ trên bờ, chúng tôi nhìn thấy thằng Đại chới với giữa dòng sông nước. Nhanh như cắt, thằng Tuấn nhảy phắt lên mình trâu, ghé vào tai trâu nói điều gì đó, con trâu theo ý chủ, bơi ra giữa dòng. Khi đến gần chỗ xoáy nước thằng Đại đang “giã gạo”, con trâu lặn xuống, chỉ ngóc đầu lên thở. Tuấn nhanh chóng nằm rạp người, túm tóc thằng Đại kéo mạnh. Lưng con trâu mang theo thằng Đại, từ từ nổi lên. Chúng tôi há hốc mồm chưa kịp phản ứng gì thì Tuấn đã đưa được Đại vào bờ. Cả bọn xô xuống cùng Tuấn đưa Đại lên mặt đê, nó đã uống gần no nước. Tuấn nhanh chóng lấy hai tay dận vào bụng thằng Đại. Nước ộc ra. Nằm một lúc lâu thằng Đại mới tỉnh. Nó thều thào cầm tay Tuấn nói:
- Cảm ơn bạn và con trâu của bạn. Bạn huấn luyện nó thật giỏi. Tớ xin lỗi vì có lúc đã ghen tỵ với bạn. Đừng cho bố mẹ tớ biết chuyện này nhé. Tớ sẽ bị đòn đấy.
Tuấn cầm tay Đại, nói:
- Cậu yên tâm, chúng tớ sẽ báo để bố cậu sang làng bên tìm trâu về. Rồi tớ sẽ giúp cậu cách thuần phục nó.
Chúng tôi xúm lại động viên. Đại xúc động, nắm tay Tuấn thật chặt thay cho lời cảm ơn.
Chiều quê, nắng đã dịu. Cơn gió mát thổi từ sông lên lật ngược mái tóc của Tuấn lộ ra vầng trán thông minh. Đại thấy Tuấn đến gần vuốt ve, xoa nhẹ và vỗ vỗ lên mình con trâu. Tuấn ghé vào tai nó nói câu gì đó. Đại ngạc nhiên thấy con trâu ngoảnh lại, trìu mến nhìn chủ tỏ ra như đã hiểu mọi chuyện. Chao ôi! Chẳng bù cho con trâu của Đại, cặp mắt lúc nào cũng đỏ ngầu, lúc nào cũng thích nghênh chiến. Vậy mà có lúc nó lại rất tự hào về việc đó. Nó khát khao mong ước con trâu của mình cũng giống con trâu của Tuấn.
Đại ngồi dậy. Chiều nay, nó bỗng thấy làng quê đẹp hơn mọi ngày. Cứ ngửa mặt lên trời, nhắm mắt lại, đầu óc nó lại hiện lên cặp mắt hiền từ của con trâu nhà thằng Tuấn mỗi khi nhìn chủ nhân của mình. Có lẽ ban giám khảo cuộc thi nói đúng: Trâu đẹp không phải chỉ là trâu to khỏe mà trước hết phải là một con trâu thân thiện với người chăn dắt nó. Nhìn cách Tuấn vuốt ve nhẹ nhàng với con trâu, nó bỗng thấy xấu hổ. Đại ước mong ngày gần nhất sẽ làm được những việc tốt như bạn mình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin