Tới nhà tôi bàn việc họp lớp cấp 3, Tân, trưởng ban liên lạc hồ hởi báo tin đã tìm được địa chỉ thầy Hiền, giáo viên chủ nhiệm của lớp năm cấp 3. Những lần họp lớp trước, chúng tôi đều đón một số thầy cô giáo cũ tới dự và hỏi về thầy Hiền. Tuy nhiên các thầy cô đều tuổi đã cao, hiện sinh sống cùng con cháu tại Hà Nội và các huyện, thành trong tỉnh, không có điều kiện liên lạc để biết tin tức về thầy. Mỗi lần tôi nhớ về những năm tháng đầu đời, hình ảnh thầy với bộ quân phục cũ lại hư ảo hiện lên.
Minh họa: Thanh Hạnh |
Năm ấy lớp 8C của chúng tôi do thầy Hiền làm chủ nhiệm. Thầy là giáo viên dạy môn Toán còn rất trẻ. Mùa Xuân năm 1975, đang học Đại học Sư phạm, thầy cùng nhiều sinh viên tình nguyện nhập ngũ. Sau giải phóng miền Nam, thầy trở về học tiếp chương trình đại học và tham gia công tác giảng dạy chưa lâu.
Khác với hệ 12/12 hiện nay, thời đó chúng tôi vào lớp 10 ai cũng ít tuổi hơn đôi chút. Thầy gần gũi thân tình, coi chúng tôi như bạn, luôn trao đổi, chỉ bảo từng ly từng tý trong ứng xử và mọi nền nếp sinh hoạt. Môn Toán của thầy được chúng tôi ưa thích, mỗi giờ dạy của thầy là tiết học vô cùng hào hứng.
Nhũng ngày Chủ nhật, thầy đạp xe tới nhà từng học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh, bàn bạc cùng phụ huynh cách tạo điều kiện cho con học tập. Sự nhiệt huyết của thầy chủ nhiệm đã tạo cho tập thể lớp chúng tôi không khí học tập sôi nổi và tình cảm bạn bè gắn bó.
Thời kỳ đó kinh tế đất nước gặp vô vàn khó khăn bởi hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh, lại chịu sự bao vây cấm vận của Mỹ. Nhà trường tổ chức cho học sinh chung tay với chính quyền địa phương hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế. Ngoài thời gian học, chúng tôi trồng ngô, sắn, đào kênh mương, bốc gạch ngói xây dựng các công trình dân dụng. Cuộc nào thầy cũng nhiệt tình làm việc cùng học sinh.
Tuần tham gia đào kênh mương, chúng tôi mang chiếu chăn, gạo, nồi niêu xoong chảo và tập kết đào đoạn kênh xa nhà gần hai chục cây số. Dịp này, thầy Hiền được đơn vị cũ mời trở lại miền Nam đi tìm đồng đội, cô phó chủ nhiệm tạm thay thế.
Một buổi chiều bên bờ kênh đang đào, thầy đạp xe mang bánh kẹo đến cho lớp. Thầy kể về tới Thái Nguyên, biết tin Nhà trường đang dã ngoại lao động, thầy lên ngay. Đêm đó đang mùa trăng, trăng lênh lang làm núi rừng đẹp như bức tranh thủy mặc. Cả lớp trải chiếu trên sân kho ăn bánh kẹo và sinh hoạt văn nghệ. Chúng tôi đề nghị thầy kể những ngày tham gia cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn. Thầy mỉm cười chậm rãi: Tiến công giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, đơn vị thầy cùng đại quân tiến về Sài Gòn với khí thế “một ngày bằng hai mươi năm”. Quân ta được lệnh bỏ qua các cứ điểm dọc quốc lộ thần tốc tiến lên. Những căn cứ kẻ địch ngoan cố chống trả, ta dùng hỏa lực mạnh áp chế, giao lực lượng vũ trang địa phương tiêu diệt
Tối 29-4, đơn vị thầy tới khu vực Ngã ba Bà Quẹo, sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng. Sáng sớm ngày 30-4, xe tăng cùng bộ binh tiến về phía ngã tư Bảy Hiền. Quân địch cho máy bay ném bom đánh phá suốt dọc đường, đồng thời đưa xe tăng, bộ binh ngăn chặn. Bất chấp sự cản phá của địch, quân ta sử dụng mọi loại vũ khí trang bị vừa đi vừa bắn. Với sự dũng mãnh của các lực lương, ta xông lên chiếm ngã tư Bảy Hiền. Vượt qua ngã tư rẽ trái hướng về sân bay Tân Sơn Nhất, quân địch chống cự quyết liệt. Phối hợp với pháo binh khai hỏa dữ dội, đơn vị của thầy tiến lên đánh chiếm sân bay. Trước giờ toàn thắng, rất nhiều người đã ngã xuống.
- Thầy phục viên mấy năm, sao vẫn được gọi đi tìm đồng đội ạ? - Tôi ngập ngừng.
- Thầy trực tiếp chôn cất một số chiến sĩ tại những nơi diễn ra các trận đánh. Ở Sài Gòn ít ngày, đơn vị thầy hành quân lên Tây Nguyên truy quét tàn quân Phun - rô, không có điều kiện trở lại những nơi đã đi qua…
Khai giảng năm học lớp 9 gần một tháng, tình hình biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc diễn biến phức tạp. Thầy Hiền nhận lệnh tái ngũ. Buổi lễ chào cờ toàn trường cũng là buổi tiễn thầy lên đường, thầy hiệu trưởng trịnh trọng thông báo:
- Thầy Hiền là sĩ quan dự nhiệm và được đào tạo sử dụng các trang bị vũ khí hiện đại. Quân đội cần đào tạo chiến sĩ mới bảo vệ Tổ quốc, thầy tạm xa mái trường…
* * *
Ngay hôm sau, tôi và Tân thay mặt ban liên lạc tới thăm và mời thầy dự kỷ niệm ngày ra trường của lớp. Ngôi nhà thầy Hiền nằm giữa vườn na bạt ngàn nhấp nhánh màu lá non. Thầy đang giảng bài cho hơn chục em nhỏ. Tôi bất ngờ khi thấy thầy viết bảng bằng tay trái, ống tay áo bên phải buông sõng…
Trò chuyện với chúng tôi, thầy bảo:
- Mất cánh tay cầm phấn không thể đứng lớp, thầy xin về địa phương. Nhớ trường và các em lắm, nhưng hồi đó không có điện thoại. Thầy lại không thể tự mình đi xe.
- Thầy bị thương trong trận đánh nào ạ?
- Sư đoàn của thầy chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên
Tôi đã từng được đến cao điểm 468 và viếng nghĩa trang Thanh Thủy, nơi an nghỉ của hàng nghìn liệt sĩ. Lời thề “Sống bám đá, chết hóa đá thành bất tử” khắc trên báng súng và phương châm sống, chiến đấu của người lính Vị Xuyên trong những ngày giữ đất biên cương làm chúng tôi vô cùng xúc động, tự hào…
Nhìn vườn na với nhiều gốc vài chục năm tuổi, tôi hỏi:
- Những cây na kia chắc thầy trồng từ ngày về phục viên?
- Cũng phải dăm năm sau. Ban đầu không còn khả năng cầm cuốc, thầy be bờ ruộng, bắc ống từ con khe nhỏ cho nước chảy về nuôi cá. Nhớ câu các cụ “Trẻ trồng na, già trồng chuối”, thầy cùng gia đình làm vườn đồi. Tuổi cây na cho sản lượng thương phẩm không dài, thầy vẫn giữ một số cây quanh nhà làm kỷ niệm.
Chúng tôi lại càng cảm phục hơn khi biết thầy rèn luyện viết bằng tay trái để phụ đạo môn Toán cho trẻ em. Thầy bảo: Trẻ em trong làng ham học, nhưng điều kiện học tập so với thành phố còn hạn chế, các cấp học em nào cần trang bị thêm kiến thức, thầy giúp không lấy tiền công.
Một số bà con tới nhà mua cây na giống, thầy dẫn mọi người và chúng tôi ra vườn. Thầy hướng dẫn cặn kẽ người mua na kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái.
Dưới tán cây, gió thả từng chùm hoa nắng như bụi phấn bay trên mái đầu điểm bạc. Chia tay thầy, chúng tôi mang theo về cả nụ cười thật trẻ…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin