Đang cho cháu nội uống sữa, bỗng tiếng điện thoại vang lên, bà giương mắt cố nhìn vào màn hình mờ tịt: Con trai. Tim bà đau thắt. Lại có chuyện gì đây? Từ xưa đến nay mỗi khi Tài, con trai bà, gọi về là y như rằng nó đã gây ra chuyện.
Minh họa: Thanh Hạnh |
- Tài hả con, mẹ đây...
Đầu dây bên kia, giọng thằng con trai gọn lỏn:
- Tôi đang bị tạm giữ ở công an thành phố. Bà vay tiền, bảo lãnh cho tôi về đi.
* * *
Bà đứng đợi trên sân trụ sở công an. Mới ngoài sáu mươi tuổi mà nhìn bà như bà lão tám mươi. Mắt bà không rời căn phòng con trai đang bị tạm giữ.
Mình mảy rã rời, nhức nhối đến từng đốt xương nhưng bà không để ý đến bản thân mà đầu óc chỉ tâm niệm một điều là không biết "thằng bé" có được thả hay không?
Căn phòng bật mở. Tài bước ra.
Bà vội chạy về phía con trai, run rẩy:
- Con có sao không? Sao con bị bắt vậy?
Tài càu nhàu:
- Bà hỏi lắm thế? Vay được tiền chưa? Mang vào bảo lãnh cho tôi về đi, tôi mệt lắm rồi.
Bà lập cập:
- Mẹ vay được rồi. Vào phòng nào hả con?
- Vào cái phòng mà tôi vừa đi ra đó. Trời ạ ... lẩm cẩm quá rồi.
Bà đeo cái túi vải đen nhẻm lên vai, bước vào.
Tài bồn chồn đứng chờ. Khoảng mười phút chưa thấy mẹ ra, nó cau có:
- Sao mà lâu thế? Đúng là già cả, chậm như sên.
Một lúc, bà bước ra, đi sau là anh công an. Anh đến bên Tài, lớn giọng:
- Anh Tài! Vì mẹ anh già yếu, con anh còn nhỏ nên chúng tôi cho phép mẹ anh bảo lãnh anh tại ngoại. Lần sau, còn tái phạm thì hết đường đấy. Rõ chưa?
Tài khúm núm vâng dạ rồi ra xe nổ máy. Mẹ Tài định trèo lên sau xe, Tài quay lại, quắc mắt:
- Bà làm gì đấy? Thuê xe ôm mà về. Tôi có việc, mấy hôm nữa mới xong.
Bà nắm lưng áo Tài, van xin:
- Con ơi... mẹ xin con! Đừng đi nữa. Con về với mẹ, về với thằng Tiến. Thằng Tiến nó nhớ con lắm. Về nhà đi con ...
Gỡ tay mẹ, Tài quát:
- Lắm chuyện! Bà về cho thằng Tiến ăn rồi trông nó cẩn thận. Nếu không trông được thì trả cho con mẹ nó.
Tài nổ máy phóng đi. Tiếng xe xa dần, chìm vào màn đêm. Mẹ Tài gạt nước mắt dò dẫm từng bước dời khỏi trụ sở công an. Bóng người mẹ đổ dài trên đường phố vắng. Bà thấy ruột gan đau quặn. Gần hai mươi năm trước, chồng bà đã bỏ hai mẹ con đi theo tình nhân. Bà ở vậy nuôi con. Với đồng lương mất sức ít ỏi bà phải đi gánh gạch, phụ vữa, rửa bát cho quán ăn… để có tiền nuôi con, dồn mọi tình thương cho nó để mong bù đắp cho đứa con mất bố, mong sau này nó nên người.
Nhưng mọi hy sinh của bà càng ngày càng trở nên vô ích. Tài bỏ học từ rất sớm, lang thang đàn đúm với đám bạn ngỗ nghịch sống theo kiểu giang hồ.
Đã không biết bao lần bà phải van xin, thậm chí phải bán máu để có tiền gỡ tội cho nó. Những tưởng con trai nhìn thấy những hy sinh đến kiệt cùng ấy mà từ bỏ thói xấu. Nhưng không. Tài vẫn chứng nào tật ấy.
Đến tuổi trưởng thành, Tài dắt về nhà một ả gái xăm trổ đầy mình. Chúng gọi nhau là vợ chồng và ở luôn trong nhà, mặc kệ sự phản ứng của bà.
Rồi ả mang bầu, sinh được thằng bé kháu khỉnh, khỏe mạnh. Nhưng ả không cho con bú mà từ đó bỏ nhà mất tăm luôn.
Bà giận đứa con dâu hờ nhưng thương cháu nên dù khó khăn đến mấy vẫn chăm lo, nuôi nấng thằng bé đến nơi đến chốn. Bà đặt tên cháu là Tiến mong nó tiến bộ hơn bố.
Thằng Tài cho rằng vì mẹ mà vợ nó bỏ đi, nên bỏ mặc con cho mẹ, đi bạt xứ. Chỉ mỗi khi cần mẹ cứu trợ mới điện thoại về. Bà cắn răng chịu đựng, hy vọng mong manh là một ngày nào đó nó nghĩ lại. Cả đời, bà có một nguyện ước rất đơn giản là chỉ một lần được nghe từ miệng con trai những lời nói yêu thương của một đứa con đối với một người mẹ mà cái điều nhỏ bé ấy chưa bao giờ có được.
Lúc chiều, bà phải lo vay tiền để bảo lãnh cho Tài, nên gửi thằng Tiến sang nhà hàng xóm. Từ công an thành phố về, bà rẽ ngay sang nhà hàng xóm đón cháu nhưng không thấy, vội cùng mọi người tá hỏa tỏa đi tìm khắp nơi.
Bà cuống cuồng gọi điện thoại cho Tài rồi băng đường đi tìm cháu. Trong lúc vội vã bà bị một chiếc xe máy tông trúng.
Đầu óc mê man trong phòng cấp cứu mà miệng bà vẫn không ngớt gọi thảm thiết "cháu ơi! ... Tiến ơi! ... Con ơi! Tài ơi!...
* * *
Tài về, nhìn thấy con nằm co ro, run rẩy trong hố rác ngay cạnh nhà, trên tay ôm con gấu bông mà Tài đã mua cho nó từ lâu lắm. Nhìn thấy bố, thằng Tiến mắt sáng rực lên:
- Bố đây rồi. Con sợ lắm bố ơi!
Nhìn thằng bé trong cảnh ngộ bi thương, dường như tình phụ tử trong Tài bừng thức. Nó quăng vội xe máy chạy lại quỳ xuống ôm thằng bé ghì thật chặt vào ngực, thốt lên :
- Con ơi... bố xin lỗi con, bố sai rồi. Con mới ba tuổi đã biết tìm về nhà. Còn bố...
Thằng Tiến nhìn xung quanh, khẽ hỏi:
- Bà nội đâu? Bà nội đâu rồi?- Nó nghiêng ngó nhìn xung quanh.
Nhìn vẻ lo lắng cuống cuồng tìm bà nội của thằng Tiến, Tài có cảm giác như có một nhát dao đâm thẳng vào tim nó.
Tài ôm con, lên xe phóng như bay vào bệnh viện. Nó quỳ xuống bên giường cấp cứu của mẹ, nói trong gấp gáp:
- Mẹ ơi... con về với mẹ đây. Con xin lỗi mẹ. Con xin thề từ nay trở đi con sẽ không bao giờ xa mẹ và con trai con nữa. Mẹ đừng bỏ bố con con...
Những giọt nước mắt muộn màng cùng những lời sám hối của Tài như một phép màu khiến người mẹ đang hôn mê bỗng choàng tỉnh. Bà cố giang đôi tay gầy guộc ôm lấy hai bố con, rồi bà đưa tay sang xoa đầu thằng cháu đích tôn, thều thào đứt quãng.
- Con hãy sống tốt... để... nuôi dạy thằng... Tiến… nên người
Hai cánh tay của bà từ từ buông xuống, trút hơi thở cuối cùng
Hai cha con Tài nức nở. Nhiều tiếng nói tiếc thương cho một bà mẹ xấu số, khổ đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay.
Nhưng có một điều mà không ai biết là bà đã ra đi một cách vô cùng thanh thản. Ước nguyện cháy bỏng bấy lâu của bà đã thành hiện thực. Ngót hai mươi năm nay, bà mới được nghe những lời ngọt ngào như thế thốt ra từ miệng con trai. Bà đã được hưởng những phút giây tươi đẹp nhất của cuộc đời.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin