Cùng chung một tấm lòng nhân ái

18:10, 01/01/2011

Sáng sớm ngày 31-12-2010, khi cái rét đang phả vào mặt những người đi đường, ông Nguyễn Ngọc Bảo 78 tuổi, cư trú tại phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) lên gặp Báo Thái Nguyên để trình bày một lý do đặc biệt.

Với bước đi chậm chạp run run, ông bước vào Tòa soạn, thấy vậy tôi hỏi:

- Ông cần gặp ai ở Báo ạ.

- Tôi cần gặp phòng Trị sự- Bạn đọc để đưa địa chỉ của một số trường hợp khó khăn đang rất cần được giúp đỡ.
 
Với trách nhiệm là cán bộ phụ trách phòng Trị sự - Bạn đọc, tôi mời ông vào phòng làm việc, ông nói ngay: Chả dấu gì chú, tôi là cán bộ y tế thuộc Công ty Gang thép Thái Nguyên (cũ), sau khi về hưu, chúng tôi thành lập Chi hội Chữ Thập đỏ cán bộ y tế nghỉ hưu Gang Thép. Chi hội của chúng tôi hiện nay có 97 người, là những y, bác sĩ, điều dưỡng viên thuộc Bệnh viện Gang thép nay đã nghỉ hưu. Chi hội thường xuyên thực hiện việc khám bệnh, điều trị ban đầu cho các bệnh nhân trong khu vực, với tinh thần làm việc nhân đạo, miễn phí. Trong đợt khám bệnh cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam vừa qua, chúng tôi đã khám cho gần 200 người ở phường Cam Giá và gần 70 người ở phường Hương Sơn. Hôm nay lên đây, tôi mong các đồng chí giúp đỡ 4 trường hợp nạn nhân chất độc da cam bị bệnh hiểm nghèo và rất thương tâm.
 
Nói rồi ông đưa cho tôi một lá đơn có đến 6 dấu đỏ của các cơ quan là: UBND; Ủy ban MTTQ; Hội Nạn nhân chất độc da cam; Hội Cựu chiến binh; Hội Chữ thập đỏ; Hội Người cao tuổi của phường Cam Giá và Hương Sơn. Có 3 trường hợp ở phường Cam Giá là những nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chất độc da cam là: Ông Lương Văn Miện, sinh năm 1941, cư trú tại tổ 11, bị liệt vận động hoàn toàn; ông Nguyễn Văn Lai, năm nay 62 tuổi ở tổ 26, bị liệt 2 chân; ông Nguyễn Văn Huỳnh 60 tuổi ở tổ 26, liệt cơ quan vận động. Trong thời gian tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước, các trường hợp này bị nhiễm chất độc da cam, nay bệnh mới phát nặng. Riêng cháu Đặng Xuân Hiếu, sinh năm 1987, con ông Đặng Xuân Tích, ở tổ 36 phường Hương Sơn, bị ảnh hưởng gián tiếp, liệt chân và câm từ nhỏ, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất khó khăn, bố luôn đau yếu, mẹ phải đi bán hàng rong… Cả 4 trường hợp trên, các gia đình đều cần một chiếc xe lăn để di chuyển.
 
Cầm những lá đơn của ông Bảo đưa trên tay, tôi nói với ông: Lẽ ra tôi phải xuống kiểm tra từng trường hợp, nhưng biết ông là Bác sĩ, lại là người trực tiếp khám bệnh cho họ nên tôi tin. Ngay sau đó, tôi gọi điện thoại cho ông Đặng Minh Tiến, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ tỉnh để đề nghị phối hợp giúp đỡ 4 trường hợp trên. 10 giờ trưa cùng ngày, điện thoại tôi reo, đầu bên kia ông Đặng Minh Tiến nói: Anh chuẩn bị nhé, 14 giờ chiều tôi xuống đón anh đi để tặng xe lăn cho những nạn nhân mà anh và phường vừa yêu cầu.
 
Niềm vui như mở cờ trong bụng, tôi đến cơ quan sớm hơn mọi ngày. Đúng giờ xe của Hội Chữ Thập đỏ tỉnh đến, trên xe chở 4 chiếc xe lăn. Vì xe chật, không đủ chỗ để chở phóng viên và 2 cán bộ hội Chữ Thập đỏ TP. Thái Nguyên đi cùng, tôi liền sang mượn xe ô tô riêng của một đồng chí cán bộ của Ủy ban MTTQ tỉnh và nhờ đi cùng, vì làm nhân đạo nên đồng chí đi ngay không một phút đắn đo. Đoàn khẩn trương đến các địa chỉ để tặng xe. Đường trong phường ngoắt nghéo, quanh co, khó đi, mãi đến gần 18 giờ chiều chúng tôi mới trao xong 4 chiếc xe cho 4 gia đình. Khi chia tay các đồng chí trong đoàn, trong tôi trào lên niềm vui vì tất cả đều chung một tấm lòng nhân ái, góp phần giúp người bệnh vơi đi những nỗi đau bệnh tật.