Hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa những người có mối quan hệ họ hàng gần gũi với nhau và gây nguy cơ mắc những bệnh nan y như: tan máu bẩm sinh, bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, thiếu men G6PD… cho những đứa trẻ sinh ra. Do chưa nhận thức được hậu quả này, nhiều trẻ sinh ra trên địa bàn huyện Võ Nhai đã mắc bệnh nan y bẩm sinh hậu quả từ những cuộc hôn nhân cận huyết thống của bố mẹ mình.
Đã lên 10 tuổi nhưng cậu bé Âu Đình Khánh ở xóm Làng Chẽ, xã Dân Tiến (Võ Nhai) chỉ nhỏ như đứa trẻ lên 5. Cháu chỉ nặng 19kg do mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) - một chứng bệnh khiến cháu phải truyền máu, uống thuốc suốt đời và được xác định là hậu quả do hôn nhân cận huyết thống giữa bố và mẹ cháu. Bố mẹ các cháu là anh Âu Xuân Đình, 33 tuổi và chị Lục Thị Tư, 31 tuổi có quan hệ họ hàng gần gũi. Em gái Khánh là cháu Âu Thị Thùy Dương cũng mắc căn bệnh giống anh trai mình. Đã 5 tuổi nhưng Dương chỉ nặng 13kg. Ngay từ khi mới 7, 8 tháng tuổi, các bác sĩ đã phát hiện cả hai cháu đều mắc bệnh tan máu bẩm sinh và từ đó đến nay, hàng tháng hai anh em Khánh, Dương đều phải đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên truyền máu để duy trì sự sống. Mang trong mình căn bệnh nay y, cả hai anh em đều có thể lực yếu, học kém và hầu như không được tham gia các hoạt động vui chơi với bạn bè do xương yếu, dễ bị gãy xương khi có va chạm. Nghiêm trọng hơn, cả hai anh em Khánh, Dương đều bị biến chứng lách phù to phải lần lượt đi phẫu thuật cắt một phần lách vào năm 2010 và 2013.
Trao đổi với chúng tôi, anh Âu Xuân Đình cho biết: Mặc dù phần lớn chi phí điều trị cho hai cháu do bảo hiểm Y tế thanh toán bởi nhưng các chi phí phát sinh chăm sóc, chi phí phẫu thuật cho hai cháu đã khiến gia đình tôi kiệt quệ về kinh tế và hiện nay vẫn còn vay hàng chục triệu đồng chưa có khả năng trả nợ. Cũng theo anh Đình, khi biết anh và chị Lục Thị Tư yêu nhau, nhiều người trong dòng họ đã ngăn cản nhưng do không nhận thức được hậu quả, anh chị đã kết hôn và lần lượt sinh hai người con mắc bệnh nan y.
Không giống như trường hợp Anh Đình, chị Tư, khi anh Sùng Văn Pải (21 tuổi) người dân tộc Mông ở xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá (Võ Nhai) quyết định lấy chị Hoàng Thị Sính (28 tuổi), là em con chú ruột mình lại được đông đảo người trong gia đình ủng hộ với quan niệm anh em cưới nhau là theo truyền thống đồng thời tạo mối quan hệ gần gũi và ít tốn kém sính lễ. Lấy nhau năm 2011, đến năm 2012 chị Sính sinh cháu Sùng Thị Thu bị mắc bệnh bạch tạng bẩm sinh do hậu quả hôn nhân cận huyết thống từ cha mẹ. Mắc căn bệnh này, cháu Thu bị mất sắc tố toàn cơ thể nên da có màu trắng, tròng đen mắt cũng nhạt màu nên thường xuyên nhìn không rõ. Ngoài ra, do mắc bạch tạng, cháu Thu bị tổn thương lớp sắc tố da và dễ bị ánh nắng gây ung thư da đồng thời kèm theo những nguy cơ bị tổn thương nội tạng và nhiều khuyết tật khác.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Võ Nhai cho biết: Hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa những người cùng trong quan hệ nội tộc, trong cùng một nhóm thân tộc, họ hàng được luật tục hoặc tập quán quy định; có mối quan hệ huyết thống với nhau theo dòng họ mẹ hoặc dòng họ cha. Hầu hết những trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ mắc các bệnh di truyền do sự ảnh hưởng của môi trường đối với sự kết hợp của các gene lặn mang bệnh. Các bệnh thường gặp phổ biến như hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, thiếu men G6PD, tan máu bẩm sinh, biến dạng xương, bụng phình to, cá biệt có nhiều trường hợp mắc bệnh nặng có nguy cơ tử vong cao. Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng theo bà Hạnh, hôn nhân cận huyết thống thường hay xảy ra tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống như các xã: Tràng Xá, Cúc Đường, Dân Tiến… Nguyên nhân của tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở Võ Nhai là do người dân còn thiếu hiểu biết và một số cặp vợ chồng người dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi quan niệm hủ tục.
Theo bà Hạnh, thực tế khoa học đã chứng minh, hôn nhân cận huyết thống tạo cho những gene lặn bệnh lý ở chồng và vợ kết hợp với nhau sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, lông mày trắng, vảy da cá và nghiêm trọng nhất là tan máu bẩm sinh như trường hợp hai anh em cháu Âu Đình Khánh và Âu Thị Thùy Dương. Sau khi phát hiện các trường hợp bệnh nhi mắc bệnh do hậu quả của hôn nhân cận huyết thống, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã tăng cường công tác truyền thông tới các xóm vùng sâu, vùng xa của huyện về nguy cơ để lại những hậu quả nghiêm trọng do hôn nhân cận huyết thống đồng thời vận động những cặp vợ chồng cận huyết thống thực hiện KHHGĐ để tránh nguy cơ sinh con bị mắc bệnh nan y.
Kết quả là hai năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Võ Nhai không còn xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống và không có thêm trẻ mắc các bệnh do hậu quả của hôn nhân cận huyết thống. Mặc dù vậy, theo bà Hạnh, để bảo đảm không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống thì ngoài sự vào cuộc của ngành DS-KHHGĐ còn cần sự vào cuộc của bộ máy chính quyền các cấp đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên nâng cao nhận thức cho người dân, xóa bỏ hủ tục…