Theo hướng dẫn của Ủy ban MTTQ tỉnh: Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư năm 2018 (Ngày hội) tập trung từ ngày 3 đến hết ngày 18-11; mỗi khu dân cư tổ chức 1 ngày. Ngày hội được tổ chức long trọng, với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; Ban công tác mặt trận khu dân cư đánh giá kết quả triển khai thực hiện phong trào, biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu tham gia phong trào thi đua yêu nước năm 2018; triển khai nhiệm vụ năm tiếp theo.
Tiếng đàn, hát, tiếng reo hò cổ vũ từ Nhà văn hoá tổ dân phố 13, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) cất lên ấm áp. Dù lời hát, tiếng đàn nhiều lúc chưa ăn nhịp, nhưng có gì đó thôi thúc, níu kéo chúng tôi.
Bà Đinh Thị Hiền, Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố tự hào: Chúng tôi đang tập luyện văn nghệ để chào mừng Ngày hội diễn ra vào đầu tháng 11 này. Cùng đi với tôi, bà Đỗ Thị Hiến, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ phường Quang Trung, cho biết: Phường có 39 tổ dân phố, với gần 37.000 hộ, hơn 26.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%. Hằng năm, phường có 99% trở lên số hộ đăng ký danh hiệu gia đình văn hoá, trên 90% trở lên số hộ đạt tiêu chí gia đình văn hoá; 100% tổ dân phố tổ chức thành công ngày hội.
Theo ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh: Hằng năm, tỉnh có hơn 290.000/314.000 hộ được công nhận Gia đình văn hoá; hơn 2.000/2.264 xóm đạt Làng văn hoá; hơn 600/768 tổ đạt Tổ dân phố văn hoá; hơn 1.400/1.459 cơ quan đạt chuẩn văn hoá; hơn 150/219 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá.
Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Từ nhiều năm nay, Phong trào đã có bước phát triển rõ nét, tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhân dân hưởng ứng và tham gia Phong trào nhiệt tình, tự giác, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh.
Đã sang Đông, tiết trời se lạnh, nhưng chúng tôi cảm nhận được không khí ấm áp lan tỏa từ lòng người. Nhất là lúc này,tại các vùng nông thôn lúa ngoài đồng đã gặt xong, nhiều vạt ruộng phẳng được bà con dọn dẹp làm nơi tập đá bóng, bóng chuyền. Ông Nguyễn Anh Hoàng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), cho biết: Xã có 16 xóm, với hơn 1.300 hộ, 5.638 nhân khẩu. Tuy đời sống của người dân còn chưa hết khó khăn, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến việc tổ chức Ngày hội tại các xóm.
Trong không khí từng bừng hướng đến Ngày hội, ông Lê Quang Đông, Chủ tịch UBMTTQ xã Đức Lương (Đại Từ), cho biết: Xã có 13 xóm, với 817 hộ, 3.114 nhân khẩu. Bà con sống đoàn kết, biết chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng vượt lên khó khăn trong cuộc sống, tích cực tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.
Cũng trong dịp này, chúng tôi về huyện Phú Lương, bà Ma Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, cho biết: Toàn huyện có hơn 29.000 hộ, hơn 94.000 nhân khẩu, gồm 8 dân tộc chính cùng đoàn kết, sinh sống tại 255 khu dân cư, thuộc 15 xã và thị trấn. Hiện, Ủy ban MTTQ huyện đã có văn bản hướng dẫn cho các khu dân cư tổ chức Ngày hội; đồng thời tổ chức lồng ghép biểu dương, khen thưởng các cá nhân, hộ gia đình, tập thể có thành tích trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Việc này, ông Nguyễn Công Đảm, Bí thư Đảng ủy xã Yên Trạch, tự hào: Là xã nghèo của tỉnh, nhưng hầu hết các xóm đều tổ chức thành công Ngày hội, điển hình như các xóm: Bản Cái, Bản Héo, Đin Đeng, Khuân Lặng… Mỗi xóm một cách làm, nhưng đều chung một mục đích là xây dựng khu dân cư nơi mình ở trở nên văn minh hơn.
Từ triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” rộng khắp trên toàn tỉnh, diện mạo xóm, phố được khang trang, lòng người phấn chấn thêm tin tưởng vào sự đổi mới của Đảng, Nhà nước. Suốt nhiều ngày nay, trên các trục đường được trang trí cờ, hoa, biểu ngữ, thi văn nghệ, thể thao… Trên đường về xã Úc Kỳ (Phú Bình), bà Dương Thế Kỷ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm Trại tâm đắc: Từ trước khi diễn ra Ngày hội cả tháng, bà con trong xóm đã cùng nhau chăm sóc cho luống hoa trồng dọc 2 bên đường; tập văn nghệ, tập thể thao để phục vụ nhân dân. Ngày hội là cơ hội cho mọi người dân được gặp gỡ, gần gũi, cảm thông và sẻ chia. Hiện xóm có 128 hộ, 517 nhân khẩu. Hằng năm xóm có trên 90% số hộ đạt tiêu chí Gia đình văn hóa.
Ngày hội vui từ lòng người. Nhưng rạng rỡ hơn phải kể đến những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được dọn vào ở trong ngôi nhà mới. Điển hình ở huyện Định Hoá có gia đình ông Ma Đình Tồn, 80 tuổi, xóm Bục 4, xã Bộc Nhiêu; bà Đặng Thị Chúc, xóm Nam Cơ, xã Kim Phượng; bà Trịnh Thị Lầy, xóm 2 Hòa Tiến, xã Minh Tiến (Đại Từ) và hàng trăm cảnh nghèo đã có một mái ấm đại đoàn kết của toàn dân trao tặng.
Ông Phạm Hoàng Sơn, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMT Tổ quốc tỉnh, cho biết: Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Quỹ Vì người nghèo các cấp đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa hàng nghìn ngôi nhà cho người nghèo. Riêng năm 2018, Quỹ Vì người nghèo các cấp trên địa bàn tỉnh đã huy động được hơn 6,8 tỷ đồng, và trực tiếp hỗ trợ làm mới 355 nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo khó khăn về nhà ở.
Thêm một mái ấm Đại đoàn kết, xã hội có thêm một gia đình không còn phải ở trong ngôi nhà tạm, và có điều kiện hơn khi tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Đồng thời thể hiện được truyền thống đạo lý nhân ái “thương người như thể thương thân” được xuất phát từ lòng người. Và còn gì vui hơn khi từ những ngôi nhà Đại đoàn kết, có những con người vừa vượt qua khó nghèo của cuộc sống riêng, để hân hoan bước đến nhà văn hoá, cùng bà con chung vui Ngày hội đại đoàn kết.