Vụ việc tưởng chừng đơn giản, nhưng do không được giải quyết thấu tình, đạt lý, thiếu công khai thông tin nên dẫn tới khiếu kiện, tố cáo vượt cấp của công dân. Đó là câu chuyện về làm đường giao thông ở xã Phú Đô (Phú Lương).
Mới đây, Báo Thái Nguyên nhận được đơn tố cáo của các ông: Nguyễn Tiến Bộ, Nguyễn Văn Đoàn, Nguyễn Trọng Phú, Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thành, cùng ở xã Phú Đô. Trong đơn đề cập: Năm 2012 đến 2014, xã Phú Đô làm đường giao thông theo Chương trình Xây dựng nông thôn mới, trong đó Nhà nước hỗ trợ 65%; địa phương và người dân đối ứng phần còn lại. Sau khi các công trình hoàn thành, năm 2015, UBND huyện Phú Lương đã tiến hành thanh tra và có kết luận. Theo đó, tổng dự toán các công trình giảm so với ban đầu là 316,6 triệu đồng do cắt giảm phần gỗ và nhựa đường. Những người đứng đơn cho rằng, trực tiếp ông Phạm Ngọc Tân, Chủ tịch UBND xã Phú Đô đã chiếm dụng và yêu cầu hoàn trả lại cho người dân.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, theo Văn bản số 881/KL-UBND ngày 20/8/2015 của UBND huyện Phú Lương kết luận thanh tra về quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, quản lý sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản tại xã Phú Đô.
Theo đó, về phần đầu tư xây dựng hạ tầng trên địa bàn có đề cập nội dung: Trong giai đoạn 2012-2014, xã Phú Đô thực hiện 10 công trình xây dựng cơ bản có huy động đối ứng của nhân dân (số tiền hơn 3,8 tỷ đồng).
Trong số này có 7 công trình đường bê tông thi công khe co giãn không đúng thiết kế nhưng xã vẫn nghiệm thu khối lượng và lập hồ sơ quyết toán gồm: Đường từ ngã ba Ao Cống đi Phú Nam 3, 4 và 5; ngã ba Ao Cống đi Phú Nam 6, 7, 8; đường Phú Nam giai đoạn 1 và 2; đường xóm Cúc Lùng đi Phú Nam 7; đường xóm Pháng 2 và Pháng 3.
Tổng giá trị vật tư gỗ, nhựa đường không sử dụng nhưng nghiệm thu và đề nghị quyết toán là 316,6 triệu đồng. Kết luận cũng nêu rõ hạn chế của xã Phú Đô: “Quản lý các loại quỹ công và nguồn vốn đối ứng của nhân dân không tốt. Việc chi các loại quỹ công và vốn đối ứng với số tiền lớn là vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính của Nhà nước”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Tốn, Bí thư Đảng ủy xã Phú Đô phân trần: Những hạn chế, thiếu sót trong làm đường trên địa bàn đã được cơ quan chuyên môn chỉ rõ. Tuy nhiên, bà con chưa hiểu thực sự đầy đủ. Cụ thể, số tiền 316,6 triệu đồng nêu trong đơn là giảm trừ so với tổng số dự toán các công trình ban đầu (gồm phần hỗ trợ của Nhà nước, đối ứng của địa phương và người dân), chứ không riêng phần người dân đóng góp.
Thực tế, UBND xã là chủ đầu tư các tuyến đường nhưng vẫn nợ đọng nhà thầu thi công. Lý do là ngân sách Nhà nước chưa giải ngân hết. Một số hộ vẫn không nộp tiền nên phần đối ứng thậm chí chưa đủ so với dự kiến chứ chưa nói thừa để trả lại.
Ông Bùi Đức Thinh, Chánh Thanh tra huyện Phú Lương cũng xác nhận: Trong kết luận thanh tra nêu rõ “Số tiền đề nghị thanh quyết toán phần nhựa đường và gỗ khe co, giãn phải giảm trừ khi thanh, quyết toán”. Tức là phần đề nghị sai thực tế sẽ không được tính khi quyết toán chứ không phải là tiền trả lại người dân như một số người lầm tưởng.
Kết luận rõ ràng như vậy nhưng tại sao người dân lại có đơn tố cáo? Ông Lê Văn Thành, Trưởng xóm Phú Nam 3 - một trong những người đứng đơn cho biết: Thời điểm làm các tuyến đường, trong quá trình tham gia Ban giám sát đầu tư cộng đồng, bản thân tôi không được rõ về thiết kế công trình để kiểm tra, giám sát. Mặc dù UBND huyện có kết luận thanh tra từ năm 2015, nhưng chúng tôi mới biết cách đây gần 1 tháng. Cũng không ai giải thích cụ thể nội dung để hiểu cho cặn kẽ. Từ chỗ không hiểu đã khiến bà con rất bức xúc và làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng trong thời gian gần đây.
Như vậy, dù kết luận thanh tra của UBND huyện Phú Lương yêu cầu phải công khai tại địa phương bằng hình thức phù hợp, nhưng xã Phú Đô đã chưa làm nghiêm túc; việc tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân có hạn chế, khuyết điểm cũng chưa công khai để người dân được rõ. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến khiếu kiện, tố cáo vượt cấp. Đây là bài học cho nhiều địa phương trong thực hiện quy chế dân chủ, công khai, minh bạch khi triển khai các công trình hạ tầng nông thôn.