Cùng với sự phát triển của xã hội, các cơ sở nhóm trẻ gia đình đã và đang phát triển tại các vùng nông thôn trên địa bàn huyện Phú Lương. Qua đó, góp phần giảm tải cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập và đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh.
Cơ sở Giáo dục Mầm non độc lập tư thục Phương Anh 2, xóm Đồng Hút, xã Tức Tranh đi vào hoạt động ngày 26/7/2018. Quy mô cơ sở gồm có 3 lớp học, bếp ăn phục vụ trẻ ăn bán trú, đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục-Đào tạo quy định là ấm về mùa đông, mát mẻ mùa hè. Mỗi phòng học được lắp đặt hệ thống camera, quạt, máy điều hoà, ti vi, góc học tập, góc vui chơi, ban công được trồng hoa, cây cảnh tạo không gian thoáng mát cho các em.
Cô giáo Chu Phương Anh, chủ Cơ sở Giáo dục mầm non độc lập tư thục Phương Anh 2 cho biết: “Trước đây, tôi có thời gian dạy tại Trường Mầm non Tân Long, phường Tân Long (T.P Thái Nguyên). Khi tôi về hưu, nhận thấy nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh ngày càng cao tại khu vực nông thôn, sẵn có mảnh đất của gia đình tại xã Tức Tranh, tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng cơ sở trông giữ trẻ mầm non. Ban đầu, người dân cũng rất e ngại khi gửi con ở đây do mô hình còn mới. Nhưng từ thực tế phát triển của trẻ trong quá trình gửi ở cơ sở, đã tạo được niềm tin với số lượng từ 10 trẻ (năm 2018) tăng lên 35 trẻ (năm 2020)”.
“Nhìn thấy con vui vẻ, khoẻ mạnh, ngoan ngoãn và biết vâng lời ông bà cha mẹ, giáo viên quan tâm đến các cháu nên tôi rất yên tâm.” - Đó là chia sẻ của chị Trần Thị Thuận, xóm Quyết Thắng về Cơ sở Giáo dục Mầm non độc lập tư thục Phương Anh 2. Còn bà Nguyễn Thị Phận, xóm Đồng Danh cho biết: “Tôi thì bận làm chè, bố mẹ các cháu đi làm công nhân hết, do đó không có thời gian trông coi các cháu, nhất là vào dịp nghỉ Hè, vì thế gửi cháu ở nhóm trẻ gia đình khá thuận tiện về thời gian. Tôi có thể gửi cháu sớm, đón muộn hoặc đón về giữa buổi tuỳ thuộc vào công việc hằng ngày”.
Cũng giống như cô Chu Phương Anh, sau khi về hưu (năm 2015), cô Nguyễn Thị Xoan, ở xã Vô Tranh, đã thuê lại một nhà kho không dùng đến của một gia đình để cải tạo, đầu tư, xây dựng thành khu lớp học với, sân chơi, nhà ăn, để nhận chăm sóc trẻ từ 1- 4 tuổi. Cô Nguyễn Thị Xoan cho biết: “Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục Đoremon hiện có 3 lớp học với 17 học sinh, có thời điểm số lượng lên tới 32 em. Để đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện, cơ sở luôn quan tâm tuyển dụng các cô giáo năng động, nhiệt huyết, được đào tạo cơ bản”.
Những năm qua, nhằm hạn chế tình trạng thiếu phòng học phải học nhờ nhà văn hóa xóm, phòng chức năng của trường, huyện Phú Lương đã quan tâm, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên đến thăm, động viên, tặng đồ dùng học tập, đồ chơi cho các cơ sở nhân dịp khai giảng, khai trương, Tết Thiếu nhi… Nhờ đó, hiện nay trên địa bàn huyện ngoài 2 cơ sở trên còn 3 cơ sở khác là: Nhóm trẻ độc lập tư thục nhà dòng Yên Thủy (xã Yên Lạc); Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục Công ty Shints (thị trấn Đu); Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục Công ty Ước Mơ Hồng (thị trấn Đu), với tổng số gần 150 cháu từ 1 đến 5 tuổi. Các cơ sở đều đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, như: đủ phòng học, đảm bảo diện tích bình quân/trẻ; có đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi tối thiểu cho trẻ hoạt động. Bếp ăn được thiết kế theo quy trình 1 chiều; có hợp đồng mua bán thực phẩm, thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định (riêng Nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục Công ty Shints sử dụng bếp ăn của Công ty để nấu ăn cho các cháu).
Bà Vũ Thị Hồng Hạnh, Phó Trưởng phòng, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Lương cho biết: “Để được cấp giấy phép hoạt động các cơ sở trên phải đáp ứng những điều kiện về nguồn nhân lực: Đội ngũ giảng dạy, chăm sóc trẻ phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp sư phạm mầm non trở lên; cấp dưỡng phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ theo đúng quy định. Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các cơ sở mầm non tư thục; đồng thời, chỉ đạo các trường mầm non trên địa bàn các xã, thị trấn có nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục quản lý, hỗ trợ chuyên môn”.
Thực tế cho thấy, tại khu vực nông thôn ngày càng nhiều cặp vợ chồng đi làm việc tại các công ty, nhà máy nên việc phát triển mô hình “Nhóm trẻ gia đình” là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, giúp phụ huynh yên tâm làm việc tăng thu nhập.