Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) T.P Sông Công đã phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TTK&VV).
Theo lịch giao dịch cố định, ngày 16 hàng tháng, cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH T.P Sông Công có mặt tại trụ sở UBND phường Cải Đan để triển khai các công việc như: Tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thực hiện quy trình xử lý nợ… tới các Hội đoàn thể nhận ủy thác và các TTK&VV trên địa bàn.
Với vai trò là Tổ trưởng TTK&VV Nguyên Bẫy, hơn 12 năm nay, bà Nguyễn Thị Phượng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách, góp phần giúp nhiều thành viên trong Tổ vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn này.
Bà Phượng chia sẻ: TTK&VV của chúng tôi có 24 thành viên với tổng dư nợ 1,5 tỷ đồng. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, trước khi cho hội viên vay, chúng tôi tiến hành họp, bình xét, lập danh sách đề nghị vay vốn và rà soát các đối tượng có nhu cầu vay, sau đó báo cáo để Ngân hàng thẩm tra. Trong thời gian hội viên vay, chúng tôi thường xuyên kiểm tra xem số tiền vay có được sử dụng đúng mục đích hay không, nguồn vốn phát huy hiệu quả như thế nào…
TTK&VV Nguyên Bẫy là một trong nhiều TTK&VV đã và đang quản lý các nguồn vốn vay một cách hiệu quả. Hiện nay, NHCSXH T.P Sông Công có 166 TTK&VV với tổng dư nợ trên 173 tỷ đồng, số dư tiền gửi tiết kiệm qua các TTK&VV là hơn 9 tỷ đồng (tăng gần 660 triệu đồng so với đầu năm).
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội thành phố cho biết: Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn vốn tín dụng và hoạt động của các TTK&VV, Phòng Giao dịch yêu cầu các TTK&VV họp tổ dưới sự chứng kiến của tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã và trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố; tuyên truyền, hướng dẫn các tổ viên về hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; thống nhất mức tiền gửi của tổ viên tối thiểu hàng tháng… nhằm đảm bảo việc giao dịch cũng như quản lý tốt hơn nguồn vốn tín dụng tại cơ sở.
Cùng với đó, thành viên Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội, Ban giảm nghèo và tổ chức hội nhận ủy thác cũng thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của TTK&VV; họp bình xét cho vay, xét duyệt hồ sơ, thông tin hộ vay, kiểm tra việc sử dụng vốn vay, hướng dẫn sắp xếp hồ sơ lưu trữ tại các hội và các tổ… để đảm bảo công tác thanh tra, kiểm tra, đối chiếu thông tin với ngân hàng khi cần.
Ngoài ra, để không phát sinh nợ quá hạn, Phòng Giao dịch NHCSXH thành phố luôn chủ động theo dõi, bám sát kế hoạch thu hồi nợ đến hạn hàng tháng, thông báo cho các tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã và TTK&VV nắm bắt cụ thể từng món nợ vay đến hạn trong tháng để có hướng xử lý kịp thời.
Ông Tạ Văn Tiến, Tổ trưởng TTK&VV tổ 4, phường Châu Sơn, cho hay: Nhờ được cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH thành phố hướng dẫn cụ thể nên tôi có thể tư vấn, giúp đỡ người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, thúc đẩy việc trả nợ, trả lãi đúng hạn. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng tích cực đôn đốc thu hồi các khoản nợ đến hạn, không để nợ quá hạn phát sinh.
Có thể nói, hoạt động của các TTK&VV trên địa bàn T.P Sông Công đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, đối tượng chính sách được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, phục vụ phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Các TTK&VV là kênh dẫn vốn trực tiếp, hiệu quả đến cơ sở, giúp NHCSXH chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Thời gian tới, để hoạt động của các TTK&VV ngày càng đi vào nền nếp, đóng góp hiệu quả hơn cho hoạt động tín dụng chính sách, NHCSXH T.P Sông Công tiếp tục phối hợp tốt với các hội, đoàn thể nhận ủy thác, củng cố, kiện toàn các TTK&VV hoạt động chưa hiệu quả; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn biết cách sử dụng nguồn vốn để phát triển kinh tế, thực hiện việc trả nợ đúng kỳ hạn; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội, tổ trưởng TTK&VV để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc nhận ủy thác, thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động tín dụng chính sách.