Linh hoạt bán hàng trong mùa dịch

10:02, 11/11/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn T.P Thái Nguyên, nhiều cơ sở, hộ kinh doanh đã linh hoạt thay đổi phương thức bán hàng để hoạt động thương mại diễn ra an toàn, hiệu quả.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày 9 và 10-11, sau khi UBND T.P Thái Nguyên ban hành Công văn số 3882/UBND-VP về việc triển khai thực hiện các biện pháp cấp bách để kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn, phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã chấp hành nghiêm việc tạm dừng kinh doanh tại chỗ, chỉ bán mang về.

Có mặt tại cửa hàng “Kem kí”  trên đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, chúng tôi thấy, cửa hàng đã treo biển thông báo “Chỉ nhận ship hàng và bán hàng mang về”. Phía bên trong cửa hàng được bố trí các hàng ghế ngồi chờ bảo đảm giãn cách, có tấm chắn ngăn giọt bắn tại quầy giao dịch. Chị Vũ Vân Anh, nhân viên bán hàng cho biết: Từ ngày 8-11, cửa hàng đã tạm dừng bán hàng tại chỗ. Để tăng doanh thu bán hàng online, cửa hàng tăng cường thông tin trên các trang mạng xã hội; miễn phí giao hàng trong nội thành.

Tương tự, cửa hàng KFC - Thái Nguyên cùng với đẩy mạnh bán hàng online còn áp dụng hình thức “giao hàng không tiếp xúc”. Anh Lê Vũ, Cửa hàng trưởng KFC Thái Nguyên giải thích: Shipper được trang bị các vật dụng (túi đựng tiền, giá để hàng, nước phun khử khuẩn…) để quá trình giao - nhận hàng giữa khách và người vận chuyển tránh tiếp xúc gần.

Không chỉ các cửa hàng cố định mà ở những hàng quán vỉa hè, người dân cũng thực hiện đúng quy định. Chị Trần Thị Kim Oanh, một người bán bánh mỳ trên đường Minh Cầu cho biết: Trước đây, trung bình mỗi ngày có từ 5-10 khách đến ăn tại chỗ, nhưng từ ngày 8-11 tôi chỉ bán cho khách mang về.

Nhiều cửa hàng kinh doanh trong T.P Thái Nguyên đề biển thông báo “chỉ bán hàng mang về”.

Cùng với các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, những hộ, cơ sở kinh doanh ngành nghề được phép hoạt động tại chỗ cũng chủ động áp dụng các hình thức bán hàng mới để phòng, chống dịch như: Căng dây để tạo khoảng cách tiếp xúc; hạn chế số lượng hoặc không cho khách ra vào cửa hàng…

Đơn cử như cửa hàng tạp hóa Huyền Hương, phố Phan Bội Châu, phường Phan Đình Phùng, đã thực hiện giao dịch thông qua ghi phiếu tại cửa ra vào. Ông Lê Văn Quảng, ở phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) - người mua hàng tại cửa hàng chia sẻ: Tôi cần mua gì viết vào giấy, nhân viên cửa hàng sẽ chọn và chuyển ra ngoài. Tuy mất thời gian chờ đợi nhưng để an toàn cho bản thân và mọi nguời nên tôi vẫn vui vẻ chấp hành.

Tương tự tại cửa hàng kinh doanh photo-copy số 9, phường Phan Đình Phùng, chị Hà Thị Hạt, chủ cửa hàng cho biết: Để hạn chế tiếp xúc với khách hàng, cửa hàng tôi dán thông báo yêu cầu “quý khách vui lòng không vào trong”, mọi giao dịch được liên lạc qua số điện thoại và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Cùng với đó, phía bên ngoài cửa có dán mã QR, bố trí ngồi chờ cho khách, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, sổ ghi thông tin khách hàng…

Thực tế cho thấy, bên cạnh các cơ sở đã chủ động thay đổi phương án kinh doanh để thích nghi với tình hình dịch bệnh hiện nay thì vẫn còn một số ít cơ sở kinh doanh như quán bán cơm, phở, bún, xôi, trà đá… vẫn giữ hình thức kinh doanh truyền thống, vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Lý do vi phạm mà các các cơ sở đưa ra là: Vì nể khách quen; chưa kịp chuẩn bị điều kiện để “ship” hàng; cố gắng kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch hoặc chưa được biết quy định trên...

Để bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch, thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền về quy định phòng, chống dịch đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh vai trò của chính quyền thì mỗi hộ, cơ sở kinh doanh cũng cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong điều chỉnh phương thức kinh doanh để thích ứng với tình hình mới, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.