“Lung linh lung linh tình mẹ tình cha/ Lung linh lung linh hai tiếng gia đình”. Nhưng trong xã hội không phải gia đình nào cũng đẹp lung linh như lời bài hát. Bởi phía sau nhiều cánh cửa khép lại là câu chuyện bạo lực gia đình (BLGĐ) được bắt đầu. Để hạn chế hiện tượng trái ngược với chuẩn mực đạo đức xã hội này luôn cần các cấp, ngành vào cuộc, “người trong chăn” lên tiếng nói không với BLGĐ.
Câu chuyện buồn chưa đến hồi kết
Cuộc sống này thật đẹp, nhưng cũng đầy áp lực. Mỗi gia đình là một pháo đài hanh phúc, song cũng thường bị kẻ thù vô hình tấn công. Đối tượng mang tên là kẻ thù ấy lại chính là những chủ nhân của ngôi nhà không hạnh phúc. Không ai chịu nhường ai, cái tôi quá lớn, ức chế dồn nén, lòng tự trọng bị tổn thương và “xả ra cho nhẹ cõi lòng”.
Nên là sự chia sẻ, thấu hiểu. Nhưng lời qua, tiếng lại, mặt đỏ phừng phừng, từng lời đay nghiến, chì chiết hơn cả dao sắc gây sát thương danh dự đối phương. Tiếp đến là màn solo võ thuật, nhẹ thì gây thương tích, nặng dẫn đến chết người, rồi quan niệm “việc trong nhà đóng cửa bảo nhau”. Hay vì “xấu chàng, hổ ai” và màn “tuồng, chèo” tiếp tục lặp lại. Các “xô diễn” dày hơn, ác liệt hơn.
Một cán bộ công tác trong ngành Tòa án chia sẻ: Tôi trực tiếp hòa giải; giải quyết thuận tình ly hôn cho hàng trăm trường hợp. Tôi nghiệm ra: Những trường hợp có học vấn thấp thường gây tổn hại về thân thể cho đối phương. Nhiều người đến tòa mang theo các chứng cứ bị đánh đập thâm tím, thậm chí là gẫy xương, mẻ đầu. Còn các trường hợp có địa vị xã hội thường khủng bố tinh thần, làm đối tác hoang mang, dao động, mất tự chủ bản thân, bị trầm cảm, thậm chí phát điên.
Thực tế có không ít gia đình thường xuyên “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, chính quyền địa phương biết việc đó nhưng không muốn can thiệp, cho đó là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi hành động bạo lực đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Chị Lê Thị Huyền T. ở T.P Thái Nguyên từng tự hào về người chồng thành đạt của mình. Rồi chị kể: Ngày khó khăn, bát cháo sắn nấu với rau thìa là, anh khen ngon. Khi có danh phận, bát cháo hàu nấu bằng gạo tám anh chê đắng. Mọi việc tôi làm đều không vừa mắt, anh không còn thích ăn cơm nhà, không nói chuyện với vợ con. Cuối năm ngoái, anh nghỉ hưu, công khai đến ở cùng nhà với người đàn bà khác.
Ly thân... cách 2 người lựa chọn để họ mạc, con cháu không xấu hổ. Nhưng trong xã hội, nhiều cặp vợ chồng “lành làm gáo, vỡ làm muôi”. Nghiệt ngã hơn là cách tự xử mâu thuẫn bằng hành động tước đoạt mạng sống của người ruột thịt. Điển hình như vụ Dương Văn V., huyện Phú Bình, giết vợ rồi tự tử bằng thuốc diệt cỏ. Cùng ở huyện Phú Bình, ác phụ Dương Thị H. dùng dao đâm chết chồng vì lý do cuộc sống không hòa thuận.
Ông Vũ Xuân Hào (thứ hai từ trái vào), Đội Trưởng Tình nguyện xã hội xã Phú Xuyên (Đại Từ), tuyên truyền, vận động nam giới nói không với bạo lực gia đình.
Dù thời gian đã trôi qua nhưng sự cay nghiệt của những kẻ thủ ác không làm dư luận xã hội nguôi giận. BLGĐ giống thứ “ma xui quỷ khiến” luôn tiềm ẩn, phát sinh từ chính tổ ấm gia đình. Đau đớn phải kể đến trường hợp ác nhân Trần Văn M., xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên). Bị bố đẻ chửi mắng do cờ bạc, hắn đã dùng thanh gỗ đập vào đầu bố đến chết.
Ngược lại là trường hợp ông Triệu Đại P. (xã Tân Hương, T.X Phổ Yên), do con trai nhiều lần trộm cắp tài sản của gia đình để bán lấy tiền mua ma túy, hết chịu nổi, ông Phúc đã một chém lấy đi mạng sống của thằng nghịch tử.
Để mỗi gia đình là một “lâu đài” hạnh phúc
Thật đáng tiếc là những nạn nhân và người gây bạo lực đều là người thân trong cùng một tổ ấm. Theo số liệu tổng hợp của Ban Công tác Gia đình tỉnh: Trong thời gian 10 năm gần đây, trên toàn tỉnh xảy ra gần 4.000 vụ BLGĐ. Đây chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”. Nạn nhân bị bạo lực phần lớn là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, những người sống phụ thuộc về kinh tế.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng Phòng Xây dựng đời sống văn hoá và Gia đình (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch): Để mỗi gia đình thật sự là một “lâu đài” hạnh phúc, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã linh hoạt lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phố biến chính sách, pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn cho nhân dân xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước; tham gia xây dựng gia đình văn hoá; gia đình không có bạo lực.
Sách - "người thầy" trang bị cho trẻ em kỹ năng sống không bạo lực.
Hằng năm, Sở phát hành bình quân hơn 3.000 cuốn sách có chủ đề: "Nét đẹp quê hương"; hơn 3.000 cuốn tài liệu in ấn các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tổ chức luân chuyển gần 60.000 lượt sách, báo; cấp phát 2.800 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền và sách nghiệp vụ cho cơ sở.
Hiện, toàn tỉnh đã thành lập, duy trì hoạt động của gần 1.000 câu lạc bộ phòng, chống BLGĐ và gia đình phát triển bền vững, với tổng thành viên tham gia hơn 50.000 người. Cùng với đó là gần 1.700 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; gần 800 nhóm phòng chống BLGĐ; gần 500 đường dây nóng; 178 trạm y tế xã, phường, thị trấn đăng ký khám, chữa bệnh và làm nơi tạm lánh cho nạn nhân bị BLGĐ.
Trong bối cảnh chung vì đại dịch COVD-19, Sở linh hoạt tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, kết hợp lồng ghép tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống BLGĐ.
Tại cơ sở, các xóm, tổ dân phố vận động người dân tham gia Phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho mọi người dân, trong đó có kỹ năng ứng xử chuẩn mực với người thân và mọi người trong cộng đồng xã hội.