Để mùa lễ an toàn, văn minh

10:37, 26/01/2022

Phú Lương là địa phương có nhiều lễ hội diễn ra vào đầu Xuân, trong đó, quy mô lớn nhất là lễ hội Đền Đuổm. Năm nay, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, huyện đã chủ động xây dựng các phương án để mùa lễ hội diễn ra văn minh và đảm bảo quy định phòng, chống dịch.

Dịp Tết Nguyên đán chính là thời điểm bắt đầu mùa lễ hội trong cả nước. Ở huyện Phú Lương, vào đầu Xuân, trên địa bàn có lễ hội truyền thống với quy mô lớn nhất nhì tỉnh là lễ hội Đền Đuổm. Ngoài ra, ở hầu hết các xã, thị trấn đều có lễ hội, hội làng tại các đình làng hoặc đền, chùa… 

Hàng năm, các lễ hội kể trên thu hút rất nhiều du khách thập phương đến du xuân. Tuy nhiên, năm nay, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Phú Lương đã yêu cầu các địa phương, Ban Quản lý di tích Đền Đuổm chỉ tổ chức nghi thức tâm linh, không tổ chức hội và những hoạt động tập trung đông người.

Song song với đó, huyện cũng giao Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép giữa nội dung tạm dừng tổ chức các hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời vào dịp Tết gắn với giáo dục giá trị, ý nghĩa của các lễ hội truyền thống.

Trên cơ sở chỉ đạo của huyện, các đơn vị, chính quyền địa phương đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động lễ hội phù hợp. Cụ thể, tại Đền Đuổm, ngay từ giữa tháng 1, Ban Quản lý Đền đã hoàn thiện phương án về cơ sở vật chất và nhân lực để tổ chức tốt phần lễ theo nghi thức truyền thống; chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ khách đảm bảo an ninh, an toàn.

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Trưởng Ban Quản lý Đền cho biết: Để đảm bảo phòng dịch, phần Lễ chỉ có sự tham gia của lãnh đạo địa phương, Ban Quản lý di tích và đại diện cộng đồng, chúng tôi không huy động nhân dân địa phương như những năm trước. Ngoài ra, nhằm tránh tập trung đông người và giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, Ban Quản lý cũng đề nghị xã Động Đạt phối hợp huy động lực lượng trực tại các điểm ra vào Đền để đo thân nhiệt, tuyên truyền nhắc nhở du khách khai báo y tế, thực hiện “5K” và đảm bảo an ninh trật tự.

Còn tại các xã, thị trấn, lãnh đạo địa phương cũng đã quán triệt việc tổ chức lễ hội đảm bảo quy định phòng, chống dịch. Ông Lê Minh Thảo, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Sau Tết Nguyên đán, trên địa bàn sẽ diễn ra hội chùa Thông và lễ hội Cầu Mùa của dân tộc Sán Chay. Hàng năm, 2 lễ hội này thu hút rất đông người dân trong và ngoài xã. Tuy nhiên, năm nay, khi huyện có quyết định tạm dừng tổ chức lễ hội, chúng tôi đã thông báo rộng rãi trên phương tiện truyền thông về việc không tổ chức hội trên địa bàn. Đồng thời, xã cũng yêu cầu Ban Hội trị chùa Thông và xóm Đồng Tâm bố trí nước sát khuẩn tại một số khu vực ra vào đình, chùa. Đặc biệt, xã chỉ đạo các tổ COVID-19 cộng đồng tiếp tục quản lý chặt chẽ người ra vào địa phương để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch.

Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện: Đến thời điểm này, các xã, thị trấn và ban quản lý các đền đã xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động văn hóa - thể thao, lễ hội đầu Xuân tại địa phương. Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, Phòng đang tiếp tục bám sát tình hình dịch COVID-19 để hướng dẫn các địa phương, ban quản lý di tích chuẩn bị điều kiện cần thiết để đón du khách thập phương đến sinh hoạt tín ngưỡng, du xuân đúng quy định. Đồng thời, huyện cũng sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Đi lễ hội đầu Xuân là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt từ xưa tới nay. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch COVID - 19 diễn biến khó lường như hiện nay, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch khi tới các đình, chùa, góp phần giúp mùa lễ hội Xuân diễn ra an toàn.