Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh nên những ngày gây đây thời tiết ở các khu vực trong tỉnh liên tục chìm trong rét buốt. Vậy nhưng trên các con đường, góc phố, hay ở các công trường, đồng ruộng… người lao động vì tính chất công việc phải hoạt động ngoài trời, không quản thời tiết khắc nghiệt vẫn miệt mài mưu sinh.
Sáng 22-2, mặc dù nhiệt độ ngoài trời là khoảng 8-9 độ C, trời rét buốt nhưng nhóm công nhân bốc vác tại một cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp ở phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên) chỉ mặc bộ quần áo mỏng. Anh Đức, một thanh niên quê ở xã Quy Kỳ (Định Hóa), chia sẻ: Sau khi bốc 1 tấn cám từ trên xe ô tô vào kho của chủ nhà, chúng tôi được trả công 20 nghìn đồng. Trung bình, 1 ngày tôi cũng kiếm được 300 nghìn đồng nhưng không phải ngày nào cũng có việc đều. Vì thế dù rét đậm rét hại nhưng khi có lái xe gọi là chúng tôi rong ruổi đi khắp các nơi trong tỉnh để bốc, xếp hàng.
Người lao động được trả công 20 nghìn đồng khi bốc xếp 1 tấn vật tư nông nghiệp.
Đối với những công nhân vệ sinh môi trường, dù thời tiết mưa rét hay tạnh ráo thì lịch làm việc của họ vẫn không thay đổi. Chị Nguyễn Thị Kim Luân, Đội trưởng Đội môi trường số 2, Chi nhánh môi trường - Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Thái Nguyên, cho biết: Đội chúng tôi có 48 người, chia làm 3 ca sáng, chiều và đêm luân phiên nhau. Thời tiết khắc nghiệt nên đi làm sẽ rất vất vả, chúng tôi luôn động viên anh chị em nỗ lực vì mục tiêu chung là làm cho đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp.
Thời tiết lạnh giá, những người hành nghề xe ôm, giao hàng, bán hàng rong, phu hồ, thu gom phế liệu… cũng gặp nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Tuất, ở phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) cho hay: Đây là nghề kiếm cơm chính của gia đình chúng tôi nên dù mưa hay gió rét thì tôi vẫn phải bám trụ. Hằng ngày, sau khi nhập hàng, tôi có mặt ở đây từ 5 giờ sáng và trở về nhà lúc 22 giờ. Thời tiết đã khắc nghiệt lại thêm dịch dã nên lượng khách mua giảm khoảng 50%. Để giữ ấm cơ thể, tôi và mấy chị em bán hàng bảo nhau kiếm mấy cành củi khô để đốt thành bếp lửa nhỏ, cùng nhau hơ tay cho đỡ cóng.
Anh Mạc Văn Lâm, chủ quán rửa xe ở xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ), chia sẻ: Sau nhiều ngày mưa liên tục, lượng khách đến rửa xe tại cửa hàng của có tăng hơn đôi chút. Phải động vào nước trời này rất lạnh, những lúc không có khách, tôi tranh thủ chạy vào nhà sưởi ấm.
Để chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết khi phải di chuyển thường xuyên trên đường, người lao động đã dùng nhiều cách chống rét. Anh Dương Văn Thành, ở xóm Trung 3, xã Điềm Thụy (Phú Bình), bán hàng rong dọc Quốc lộ 37, nói: Hằng ngày, bất kể trời rét mướt hay nắng nóng gay gắt, tôi đều đi bán hàng để có thêm thu nhập cùng vợ nuôi 2 con ăn học. Để tránh gió lùa, tôi mặc thêm bộ quần áo mưa, đi găng tay, ủng đầy đủ nhưng nhiều hôm về đến nhà thì mặt vẫn đỏ ửng, tay chân lạnh cóng vì rét.
Tiết trời buốt giá nhưng anh Dương Văn Thành (ở xóm Trung 3, xã Điềm Thụy, Phú Bình) vẫn rong ruổi với xe hàng.
Còn chị Nguyễn Thị Thanh, làm nghề thu gom đồng nát ở xóm Soi 2, xã Nhã Lộng (Phú Bình), chia sẻ: Nếu gặp khách, có hôm tôi cũng mua được 1-2 tạ phế liệu gồm nhựa, sắt các loại, thu nhập được 200 nghìn đồng/ngày. Nhưng có hôm đi cả ngày chả thu mua được gì, đành về tay không. Hiện tại, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên khi đi làm tôi luôn trang bị quần áo ấm, kính chắn giọt bắn đầy đủ.
Giao hàng là một nghề thường xuyên phải di chuyển, để ứng phó với rét buốt, người lao động mặc nhiều áo ấm, đeo găng tay, khẩu trang đầy đủ.
Công nhân vẫn cần mẫn làm việc trên công trường xây dựng tuyến đường Bắc Sơn kéo dài.
Đối với người nông dân quanh năm gắn bó với đồng ruộng thì dù rét mướt, bà con vẫn phải thường xuyên ra đồng kiểm tra mực nước, theo dõi sự sinh trưởng của lúa, cây rau màu. Ông Trần Văn Cầm, Tổ trưởng Tổ dân phố Bầm, phường Lương Sơn (T.P Sông Công), cho biết: Bà con trong tổ đã hoàn thành gieo cấy 19ha lúa. Cây lúa đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh. Thời tiết rét đậm, chúng tôi khuyến cáo bà con không nên bón phân đạm vì phân tan trong nước sẽ làm nhiệt độ hạ thấp hơn, cây cũng không hấp thụ được…
Có thể thấy, dưới tiết trời rét buốt, nhiều người lao động vẫn phải bám trụ với công việc để mưu sinh, nhưng với họ khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay thì có đủ sức khỏe và có việc để làm cũng là điều may mắn, hạnh phúc.