Bạo lực gia đình (BLGĐ) sẽ gây ra những tổn hại về thể chất, tinh thần đối với các thành viên, đặc biệt là trẻ em. Do vậy, để gia đình thực sự là môi trường an toàn với trẻ em, các cấp ban, ngành của tỉnh đã cùng vào cuộc bằng cách đẩy mạnh tuyên truyền nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng BLGĐ.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 46 vụ BLGĐ, trong đó có 1 trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi là nạn nhân của BLGĐ. Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong việc phòng, chống BLGĐ. Thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị đã quan tâm phổ biến kiến thức về đời sống gia đình cho các cán bộ, công chức, người dân, gắn nội dung tuyên truyền pháp luật phòng, chống BLGĐ với thực hiện nhiệm vụ.
Đơn cử như Hội Nông dân tỉnh đã từng bước đưa công tác phòng, chống BLGĐ trở thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên của các cấp hội. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng Hội đã tổ chức Hội nghị truyền thông trực tuyến về phòng, chống BLGĐ, với 25 điểm cầu tại các xã, thị trấn trên địa bàn 3 huyện Định Hóa, Đại Từ, Đồng Hỷ và 1.250 hội viên nông dân tham gia . Ngoài ra, Hội còn tổ chức 10 lớp tập huấn về phòng, chống BLGĐ tại các xã, xóm cho khoảng 800 cán bộ, hội viên.
Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chúng tôi công khai đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị BLGĐ tới hội viên, nông dân. Đồng thời, phát huy vai trò, chức năng của Hội Nông dân cấp cơ sở, các chi, tổ hội ở thôn xóm tích cực nắm bắt, xử lý thông tin và tham gia tư vấn, hỗ trợ và phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý các tình huống khi xảy ra BLGĐ. Nhờ đó, đã có nhiều trường hợp BLGĐ được phát hiện và ngăn chặn kịp thời thông qua đường giây nóng hoặc qua phát hiện từ cơ sở.
Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền về các mô hình hay trong xây dựng gia đình văn hóa; phê phán những biểu hiện, hành vi BLGĐ, vi phạm pháp luật. Sở đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn biên tập, in ấn 356 sổ ghi chép thông tin về gia đình và phòng, chống BLGĐ, cấp phát cho cơ sở.
Hay như Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 238 buổi truyền thông, giáo dục, phổ biến kiến thức về nuôi, dạy con tốt cho gần 30.000 lượt bà mẹ, ông bố có con dưới 16 tuổi tại cơ sở; giáo dục kỹ năng sống, giới tính cho trẻ em. Công An tỉnh phối hợp đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến BLGĐ, tổ chức 28 buổi tuyên truyền cho 3.200 lượt người các nội dung phòng, chống tệ nạn xã hội, BLGĐ...
Đối với các xã, phường, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn, hòa giải, xây dựng và duy trì những mô hình phòng, chống BLGĐ. Đến nay, Thái Nguyên có trên 1.000 câu lạc bộ về gia đình, 1.483 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 874 nhóm phòng, chống BLGĐ.
Trong số đó, tiêu biểu phải kể đến mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh” được triển khai tại phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên) từ năm 2018. Đến nay, Ban quản lý mô hình đã phát 46 tin, bài tuyên truyền về Luật trẻ em và phòng, chống BLGĐ; tổ chức 8 buổi truyền thông về phòng, chống BLGĐ thu hút 600 người dân tham gia...
Ông Hà Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND phường Tiên Phong, chia sẻ: Nhờ đẩy các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về phòng, chống BLGĐ, bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Thông qua nguồn tin nắm bắt được từ cơ sở, chính quyền, các đoàn thể đã tư vấn, hỗ trợ kịp thời cho 64 trường hợp, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc do BLGĐ gây ra.
Với sự vào cuộc một cách tích cực của các cấp, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, Thái Nguyên đang hướng đến mục tiêu ngày càng giảm và tiến tới chấm dứt tình trạng BLGĐ để không còn trẻ em nào bị tổn thương trong chính ngôi nhà của mình. Bởi nỗi đau, thiệt thòi của trẻ em là vô cùng lớn, nó không chỉ ảnh hưởng tới hiện tại mà còn là tương lai lâu dài của các em.