Thiết thực tri ân người có công với cách mạng

05:22, 25/07/2022

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh luôn đặc biệt quan tâm chăm lo cho các gia đình người có công với cách mạng. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, các cơ quan, đơn vị đã thể hiện rõ trách nhiệm và tình cảm tri ân sâu sắc.

Có mặt tại xã Cù Vân (Đại Từ) những ngày cuối tháng 6 vừa qua, chúng tôi được chứng kiến công tác chuẩn bị của địa phương để tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tri ân các gia đình có công với cách mạng.

Nói về công tác đền ơn đáp nghĩa ở địa phương, đồng chí Dương Thị Mai Phương, Phó Chủ tịch UBND xã xúc động: Phát huy truyền thống xã ATK trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, không riêng dịp lễ, tết, Ngày Thương binh - Liệt sĩ thì xã mới tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà các gia đình người có công với cách mạng, mà cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách. Hiện nay, trên địa bàn xã có 139 người có công được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Cùng với nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tặng quà, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có công với cách mạng. Đặc biệt, từ nhiều nguồn vốn ưu đãi, địa phương ưu tiên cho các gia đình chính sách vay để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Với sự quan tâm chăm lo đó, điều đáng mừng nhất ở Cù Vân hiện nay là xã không còn hộ có thành viên là người có công thuộc diện nghèo. 

Gia đình thương binh hạng 2/4 Đỗ Văn Bộ, ở xóm 7, xã Cù Vân (Đại Từ) đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm trừ chi phí còn thu được trên 100 triệu đồng.Gia đình thương binh hạng 2/4 Đỗ Văn Bộ, ở xóm 7, xã Cù Vân (Đại Từ) đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm trừ chi phí còn thu được trên 100 triệu đồng.

Chúng tôi đến thăm gia đình thương binh hạng 2/4 Đỗ Văn Bộ, ở xóm 7, đúng thời điểm đang thu hoạch lúa xuân. Gia đình có 5 nhân khẩu, cấy tới 1 mẫu ruộng, ngoài ra còn nuôi gần 20 con lợn thịt, hàng chục thùng ong…. Cuộc sống với thu nhập ở nông thôn như vậy là khá dư giả. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đỗ Văn Bộ kể: Tháng 11-1975, tôi về phục viên, UBND xã bố trí làm kế toán HTX. Đến năm 2014, HTX giải thể, tôi nghỉ ở nhà, tập trung đầu tư mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Ở địa phương, cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm đến các gia đình người có công với cách mạng, vào những dịp lễ, tết đều tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà, hoặc gặp mặt, động viên. Ngoài ra, gia đình người có công sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể đều được ưu tiên vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế.

Không riêng Cù Vân mà tìm hiểu thực tế tại nhiều địa phương trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy công tác chăm lo cho các gia đình người có công với cách mạng luôn được các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể đặc biệt quan tâm. Riêng năm 2021, tỉnh đã thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi hàng tháng cho 20.287 người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến; bảo đảm chi trợ cấp một lần điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho 7.906 người có công; hỗ trợ trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho 417 đối tượng; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 25.600 người có công và thân nhân người có công; giải quyết chế độ mai táng phí cho 831 người có công; giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ cho 141 người…

Công tác chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng cũng được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đặc biệt quan tâm, coi đó là trách nhiệm thiêng liêng, thể hiện sự tri ân sâu sắc công lao của các Mẹ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, toàn tỉnh còn 18 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống và được các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời. 

Các cấp, ngành trong tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực khác nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình người có công. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, từ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân, toàn tỉnh đã có gần 9.000 gia đình chính sách, người có công được hỗ trợ về nhà ở (trong đó xây mới gần 3.500 nhà, sửa chữa gần 5.500 nhà) với tổng kinh phí hỗ trợ trên 247 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh chủ động đăng ký nhận hỗ trợ 194 hộ nghèo có thành viên là người có công. Nhờ vậy, đến hết năm 2021, toàn tỉnh không còn hộ có thành viên là người có công thuộc diên nghèo.

Bên cạnh đó, công tác thăm hỏi, động viên, tặng quà các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công cũng được tỉnh quan tâm thực hiện chu đáo, nhất là vào dịp lễ, tết. Các địa phương trong tỉnh còn tổ chức đưa đón thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng nghĩa trang; thăm hỏi các thương binh đang điều trị, điều dưỡng tại các trung tâm trong cả nước…

Đến nay, cơ bản tất cả các hộ gia đình người có công trên địa bàn tỉnh đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng nơi cư trú. Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tô thắm thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trên mảnh đất sinh thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ.