Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (AT - VSLĐ) là một giải pháp nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động (NLĐ). Qua đó xây dựng được môi trường làm việc toàn, hạn chế thấp nhất những rủi ro về người và tài sản, góp phần củng cố uy tín, thương hiệu mạnh cho doanh nghiệp.
Năm 2022, Công ty TNHH WoojinQPD Vina, phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên), đã tổ chức huấn luyên AT - VSLĐ cho các đối tượng lao động nhóm 1, 2, 4, 6. Tuy nhiên, Công ty chưa có chương trình huấn luyện chi tiết, tài liệu huấn luyện, bản sao giấy tờ chứng minh đủ điều kiện của người huấn luyện. |
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, trong đó có nguyên nhân NLĐ chưa được huấn luyện AT - VSLĐ. Vì thiếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm làm việc tại công trường nên dẫn đến cái chết không đáng có.
Thực tế còn tồn tại nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, thậm chí chưa biết đến việc đơn vị phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức huấn luyện AT - VSLĐ cho NLĐ.
Trong tháng 4 và tháng 5-2022, các thành viên Hội đồng AT - VSLĐ tỉnh đã đến kiểm tra thực tế tại một số doanh nghiệp về nội dung chấp hành các quy định pháp luật về AT - VSLĐ, trong đó có nội dung huấn luyện AT - VSLĐ. Hầu hết các doanh nghiệp được kiểm tra bị mắc lỗi liên quan tới công tác huấn luyện, như: Chưa huấn luyện AT - VSLĐ; huấn luyện chưa đủ số lượng NLĐ đang làm việc; phân nhóm huấn luyện chưa đúng nhóm đối tượng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là sau huấn luyện không có hoạt động thanh tra, kiểm tra chất lượng huấn luyện của cơ quan chức năng. Từ đó dẫn đến hiện trạng doanh nghiệp, NLĐ chưa nghiêm túc tham gia khóa huấn luyện; tham gia vì mục đích được cấp chứng nhận, chứng chỉ hành nghề. Học vì chứng chỉ, chứ không học để nâng cao nhận thức, kỹ phòng tránh tai nạn lao động. Nhiều nhất là đội ngũ những người làm nghề vận hành máy móc, thiết bị, điện, hóa chất, vật liệu nổ.
Cùng với đó là nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, cơ bản sử dụng lao động chưa qua đào tạo, chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến quyền lợi của NLĐ. Nhận thức của người sử dụng lao động chưa đầy đủ, không tổ chức huấn luyện AT - VSLĐ cho NLĐ, hoặc có tổ chức thì chỉ mang tính hình thức, nội dung huấn luyện còn chung chung, chưa đi sâu vào lĩnh vực lao động đặc thù của doanh nghiệp.
Bản thân nhiều NLĐ cũng không tha thiết khi tham dự các khóa huấn luyện về AT - VSLĐ do doanh nghiệp tổ chức. Chỉ khi có sự cố xảy ra, chủ sử dụng lao động và NLĐ mới giật mình vì chủ quan, thiếu trách nhiệm với chính bản thân.
Dù rằng các chủ sử dụng lao động và NLĐ đều ý thức được tầm quan trọng, sự cần thiết của huấn luyện AT – VSLĐ, nhưng không ít doanh nghiệp cố tình lảng tránh trách nhiệm, không tổ chức cho NLĐ tham gia hoạt động này, thậm chí tổ chức mang tính đối phó với cơ quan chức năng.
Ngay cả một số đơn vị có chức năng được Nhà nước cho phép hoạt động cung cấp dịch vụ huấn luyện AT-VSLĐ cũng làm việc không hết trách nhiệm. Bởi cơ chế tự chủ, làm nghiêm túc đơn vị sẽ có ít đối tác, giảm doanh thu.
Nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện AT - VSLĐ, nhất là trong thời hội nhập càng đòi hỏi chất lượng, nội dung huấn luyện phải đáp ứng được các yêu cầu phát triển hiện nay, như: An toàn trong sử dụng công nghệ mới; cập nhật các phương pháp cải thiện điều kiện lao động mới, các tiêu chuẩn AT - VSLĐ quốc tế, khoa học về cải thiện điều kiện lao động. Từ đó giúp NLĐ phòng tránh được những nguy cơ rủi ro mới.
Để đáp ứng yêu cầu chất lượng huấn luyện, đòi hỏi đơn vị chức năng không ngừng đổi mới phương pháp huấn luyện, như: Giảm giờ dạy lý thuyết, tăng giờ thực hành. Trong thời gian huấn luyện, NLĐ cần được tiếp cận với thiết bị máy móc liên quan, xem những hình ảnh cảnh báo mất an toàn lao động, hoặc có mô hình mô phỏng, tạo sự phấn chấn cho NLĐ phấn khích khi tham gia lớp huấn luyện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin