Công việc vất vả, thường xuyên tiếp xúc với rác thải sinh hoạt, độc hại, nhiều rủi ro, nên người lao động có xu hướng nghỉ việc, chuyển sang công việc khác. Nhằm giữ chân người lao động, Công đoàn Ban Quản lý vệ sinh môi trường đô thị Đại Từ đã nỗ lực chăm lo, đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách.
Công nhân Ban Quản lý vệ sinh môi trường đô thị Đại Từ kiểm tra khu xử lý nước rỉ rác. |
10 giờ sáng, dưới cái nắng oi bức của những ngày giữa tháng 8, anh Nguyễn Ngọc Tân, sinh năm 1984, vẫn miệt mài san gạt những đống rác mới chuyển về bãi. Chẳng mấy chốc những bao tải, túi bóng rác được anh san xuống hố, sau khi phủ xong tấm bạt để tránh ruồi nhặng bâu và mùi hôi thối bốc lên, anh Tân mới dừng tay trò chuyện với chúng tôi.
Tháo đôi gang tay và khẩu trang bảo hộ, anh Tân tâm sự: Công việc chính hằng ngày của tôi là san gạt rác trên bãi rác, tôi đã gắn bó với công việc này được 5 năm. Ngoài thu nhập hơn 4 triệu đồng mỗi tháng, tôi còn luôn nhận được sự quan tâm của Công đoàn Ban. Công đoàn thường xuyên quan tâm đến đời sống, thăm hỏi những lúc ốm đau, gia đình có việc, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết... đó là nguồn động lực giúp tôi gắn bó với công việc mình đang làm.
Khác với anh Tân, anh Nguyễn Quang Thành, sinh năm 1974, hằng ngày cùng với xe chở rác đi đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để thu gom, vận chuyển về bãi rác.
Mỗi ngày, anh Thành vận chuyển trung bình từ 32-40 tấn rác thải sinh hoạt. Anh Thành chia sẻ: Tôi vào đây từ khi đơn vị mới thành lập. Công việc thường xuyên phải tiếp xúc với ruồi, muỗi, mùi hôi thối nên anh em, bạn bè cũng khuyên tôi xin đi lái xe ở một công ty nào đó. Nhưng rồi nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời của lãnh đạo, Công đoàn đơn vị nên tôi yên tâm gắn bó, đến nay đã được 14 năm.
Công đoàn Ban Quản lý vệ sinh môi trường đô thị Đại Từ có 32 đoàn viên, trong đó có 20 lao động là nữ. Nhiệm vụ của các đoàn viên là thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt cho 28/30 xã, thị trấn trên địa bàn huyện; quản lý, vận hành khu xử lý rác thải số 1; quản lý vận hành, sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng đô thị; quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây cảnh tại một số địa điểm trên địa bàn huyện. Trung bình 1 ngày, đơn vị thu gom, xử lý 75 tấn rác thải sinh hoạt; vận hành và xử lý 50m3 nước rỉ rác/ngày đêm; vận hành đóng mở 21 tủ điện, 759 bóng chiếu sáng, 64 khung hoa trang trí điện tử...
Với tính chất đặc thù, làm việc ở nhiều môi trường tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động, an toàn giao thông, nguy cơ độc hại nên thời gian qua Công đoàn Ban Quản lý thường xuyên quan tâm, chăm lo đến đời sống đoàn viên, đảm bảo đủ việc làm, tiền lương và được đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tập huấn an toàn lao động, khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm, trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cho người lao động, thu nhập bình quân của người lao động đạt gần 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Lê Nam, Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý vệ sinh môi trường đô thị Đại Từ, cho biết: Công đoàn thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên đoàn viên, người nhà của đoàn viên mỗi khi họ ốm đau, có hiếu, hỷ; tặng quà trong các dịp lễ, Tết, động viên con của đoàn viên có thành tích cao trong học tập; tạo điều kiện cho đoàn viên được tham gia các đợt học tập nâng cao lý luận chính trị, chuyên môn... Nhờ đó, Ban ít có biến động về lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Nhờ những nỗ lực chăm lo cho đoàn viên, người lao động mà trong 5 năm qua, Công đoàn Ban Quản lý vệ sinh môi trường đô thị Đại Từ nhận được nhiều Giấy khen từ Công đoàn cấp trên. Đặc biệt, vừa qua, Công đoàn Ban là một trong 3 công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin