Cho ý kiến về giá khởi điểm đấu giá biển số xe ô-tô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng có thể nghiên cứu quy định một mức chung cho các địa phương, nhưng cũng không nên quá cao để bảo đảm thu hút người dân tham gia đấu giá.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. |
Chiều 11-10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá.
Các đại biểu đã nghe Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Bảo đảm cao nhất quyền lợi cho người dân
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đây là nội dung được Chính phủ quan tâm chỉ đạo từ sớm và một số địa phương đã tổ chức thực hiện thí điểm.
Nội dung này nhằm thực hiện quy định của Luật Tài sản công, đồng thời đáp ứng một phần nhu cầu có thật của không ít người dân, chủ sở hữu phương tiện xe cơ giới. Do đó, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với chủ trương thí điểm thực hiện.
Cơ bản tán thành với báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đến nay hồ sơ đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét quyết định; đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện Tờ trình, bảo đảm chặt chẽ.
Về giá khởi điểm đấu giá, dự thảo Nghị quyết xác định giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá đối với Vùng 1 (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) là 40 triệu đồng, đối với Vùng 2 (các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng, vì cho rằng mức giá khởi điểm này cơ bản phù hợp với thực tiễn thu nhập bình quân Vùng 1, Vùng 2.
Bên cạnh đó, mức chênh lệch giá khởi điểm giữa Vùng 1 và Vùng 2 cũng tương đương với mức chênh lệch phí đăng ký biển số xe ô-tô giữa Khu vực 1 và Khu vực 2 (20 triệu đồng - 1 triệu đồng).
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận. |
Góp ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh mục tiêu của việc đấu giá không phải chỉ để khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô-tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà còn nhằm đáp ứng một phần nhu cầu nguyện vọng chính đáng của người dân.
“Có thể nghiên cứu quy định một mức giá khởi điểm nhất định chung cho các địa phương, nhưng cũng không nên quá cao để bảo đảm thu hút người dân tham gia đấu giá”, Chủ tịch Quốc hội đề xuất.
Về trình tự, thủ tục đấu giá, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát để tạo thuận lợi nhất, bảo đảm cao nhất quyền lợi cho người dân, từ đó tạo hấp dẫn cho người dân tham gia đấu giá. Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết chủ yếu quyết về mặt chủ trương, do vậy có thể giao cho Chính phủ chủ động, linh hoạt trong tổ chức, thực hiện nhiều nội dung.
Giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô-tô nền trắng
Liên quan đến loại biển số xe ô-tô đưa ra đấu giá, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với quy định: chỉ đấu giá đối với biển số ô-tô nền trắng trong kho biển số chưa được đăng ký; không đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của doanh nghiệp Quân đội làm kinh tế, xe ô-tô hoạt động kinh doanh vận tải…
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị mở rộng thí điểm đấu giá cả biển số xe ô-tô nền vàng chữ đen (xe hoạt động kinh doanh vận tải) và mở rộng đấu giá cả biển số xe mô-tô, xe gắn máy để góp phần tăng ngân sách nhà nước, vì hiện nay số xe taxi công nghệ, xe mô-tô, xe gắn máy rất lớn.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô-tô nền trắng trong kho biển số chưa được đăng ký, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô-tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô-tô, xe gắn máy.
Theo lý giải của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đối với loại hình xe hoạt động kinh doanh vận tải thì nhu cầu của người dân muốn sở hữu “biển số đẹp”, biển số theo sở thích là rất ít; đối với mô-tô, xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay, nếu mở rộng để thí điểm thì số lượng mô-tô, xe gắn máy trong toàn quốc là quá lớn, dẫn đến thiếu tập trung, ảnh hưởng đến việc thực hiện thí điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết. |
Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng thuận của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.
“Do đây là mô hình mới, chưa thể đánh giá hết những tác động thực tế, nên cần thận trọng, khoanh rõ phạm vi, chưa nên mở rộng với biển số mô-tô, biển số xe ô-tô nền vàng cho đối tượng kinh doanh vận tải”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho hay.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng từ nay đến Kỳ họp thứ 4 thời gian không còn nhiều, nên phạm vi thí điểm thực hiện Chính phủ chủ động cân nhắc lựa chọn. Sau này trong quá trình thực hiện có thể rà soát, cân nhắc bổ sung thêm, không nhất thiết phải mở rộng phạm vi toàn diện ngay từ đầu.
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tham gia góp ý kiến vào một số nội dung khác của dự thảo Nghị quyết như: Quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; phương thức đấu giá…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin