Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm tới công tác này. Toàn tỉnh có trên 10 nghìn liệt sĩ, trong đó vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Sự nhớ thương, ngóng trông vẫn hiện hữu trong từng nếp nhà thân nhân liệt sĩ, nhất là các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ở tuổi gần đất xa trời, nhiều mẹ chỉ mong tìm được hài cốt của chồng, con trước khi nhắm mắt. Điều này càng thôi thúc cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng nỗ lực hơn nữa để hiện thực mong ước của các mẹ và gia đình thân nhân.
Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên thường xuyên thăm hỏi, động viên Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Lợi, phường Đồng Quang, TP. Thái Nguyên. |
Chúng tôi cùng đoàn cán bộ của Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố Sông Công và xã Bình Sơn đến thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Nhì vào một chiều tháng 7… Trong ngôi nhà mái ngói 3 gian rộng rãi, thoáng mát, dẫu cảm thấy tình người ấm áp và niềm vui đang sáng lên trên nét mặt, nhưng câu chuyện của Mẹ Phạm Thị Nhì vẫn có những nỗi niềm khôn nguôi.
Mẹ năm nay đã 86 tuổi, mắt mờ, tai không còn nghe rõ, trí nhớ đã giảm sút, duy chỉ ký ức về chồng, con là chưa khi nào vơi. Chồng Mẹ, Liệt sĩ Nguyễn Văn Hán, hy sinh năm 1972 tại chiến trường miền Nam, đến nay chưa tìm thấy hài cốt. Năm 2011, con trai cả của Mẹ, chiến sĩ Công an nhân dân Nguyễn Văn Nhất cũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Ngày chồng Mẹ lên đường nhập ngũ chỉ kịp dặn “hoàn thành nghĩa vụ tôi sẽ về”, rồi để lại cho Mẹ gánh nặng nhọc nhằn cùng với 3 người con nhỏ dại. Đó cũng chính là ngày hai người chia tay nhau mãi mãi.
Toàn tỉnh hiện có 520 Mẹ Việt Nam Anh hùng, năm 2021 có 32 Mẹ còn sống thì đến tháng 7-2022 chỉ còn 18 Mẹ, trong đó Mẹ ít tuổi nhất năm nay cũng đã 78 tuổi. Có những Mẹ tới nay vẫn không biết chồng, con mình hy sinh ở đâu… phần mộ còn hay không, hy sinh vào ngày, tháng nào để làm giỗ…
Mẹ Việt Nam Anh hùng Tạ Thị Trần (87 tuổi), phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên, có chồng hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, con trai hy sinh năm 1978 tại chiến trường Tây Nam, là một minh chứng. Chồng Mẹ đến nay chưa tìm thấy mộ, duy chỉ có con trai Mẹ là Liệt sĩ Nguyễn Xuân Hướng đang được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, nơi Mẹ đã được vào thăm. Mong ước cuối cùng của Mẹ là tìm được hài cốt của chồng và đưa con về nghĩa trang địa phương.
Cảm nhận sâu sắc nỗi đau của các Mẹ và thân nhân liệt sĩ, thực hiện mệnh lệnh từ trái tim, công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ càng trở nên gấp gáp, khẩn trương hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đội quy tập hài cốt liệt sĩ gắng hết tinh thần, trí tuệ và sức lực để chạy đua với thời gian.
Thực hiện Chỉ thị số 24 của Bộ Chính trị, Quyết định số 1237 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo 515 tổ chức tìm kiếm, quy tập và xác định thông tin liệt sĩ. Đã có gần 150 thân nhân được hỗ trợ di chuyển mộ liệt sĩ; gần 500 thân nhân được hỗ trợ tiếp nhận hài cốt liệt sĩ; tổ chức di chuyển đi - đến gần 200 hài cốt liệt sĩ; rà soát, chuẩn hoá, hoàn thiện hồ sơ đối với 125 trường hợp được cho là hy sinh, từ trần; thực hiện cất bốc, quy tập trên 60 hài cốt liệt sĩ; thực hiện khai quật 701 phần mộ để lấy mẫu sinh phẩm xác định ADN.
Tuy nhiên, số lượng hài cốt liệt sĩ cần phải tìm kiếm, quy tập vẫn còn nhiều, mộ liệt sĩ nằm rải rác, xa khu dân cư, khó phát hiện, khó xác định vị trí, nhân chứng cung cấp thông tin ngày một ít đi, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp…
Khó khăn là rất lớn, nhưng với tất cả trách nhiệm và sự tri ân đối với những người đã hy sinh vì đất nước, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin vẫn đang được cấp ủy, chính quyền, các đơn vị, địa phương, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh.
Đại tá Ngô Hồng Thái, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 515 tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên, trăn trở: Chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nhân dân biết rồi cung cấp thêm thông tin. Mặt khác, phải chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương, đơn vị trong cả nước để tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ. Bên cạnh đó, công tác xác minh danh tính liệt sĩ cần được thực hiện đúng quy trình và bảo đảm tính chính xác. Công tác quy tập bảo đảm khoa học, cẩn thận, tỉ mỉ. Việc làm này không chỉ là nhiệm vụ chính trị thiêng liêng mà còn là trách nhiệm của người đang sống đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc.
Thông báo số 233 ngày 6/8/2022 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ: Nhiệm vụ từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ; hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập và kết luận khu vực, địa bàn có thông tin mộ liệt sĩ tập thể; từ năm 2031 trở đi, tiếp tục tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến khi không còn thông tin về hài cốt liệt sĩ, mộ liệt sĩ.
Với tất cả trách nhiệm và sự tri ân đối với những người đã hy sinh vì đất nước, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn đang được đẩy mạnh, đáp ứng sự mong mỏi của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình liệt sĩ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin