Từ đầu năm đến nay, cả nước đã thu hút thêm gần 698 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội.
Lao động tại Công ty Sao Mai (Ảnh minh họa: nhandan.vn). |
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ước đến hết tháng 9 năm nay, toàn quốc có hơn 17,24 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 89,91% so với kế hoạch của ngành. Con số này tăng gần 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái, tăng hơn 697.200 người so với hết năm 2021.
Đây là thông tin từ hội nghị giao ban trực tuyến toàn ngành bảo hiểm xã hội quý IV năm 2022 diễn ra ngày 3/10.
Cũng theo cơ quan này, số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 87,5 triệu người người, tăng gần 4 triệu người so với cùng kỳ năm 2021, đạt tỷ lệ bao phủ 88,42% dân số.
Toàn quốc cũng đã có gần 27 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID). Trong đó, 850.369 người với 1.616.544 lượt sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Ước đến hết tháng 9/2022, toàn quốc có hơn 17,24 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng hơn 697.200 người so với hết năm 2021. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 87,5 triệu người người, tăng gần 4 triệu người so với cùng kỳ năm 2021, đạt tỷ lệ bao phủ 88,42% dân số. |
Hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực khoảng 51,2 triệu thông tin nhân khẩu có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, đơn vị cũng cung cấp, chia sẻ hơn 60,5 triệu lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sau 7 tháng triển khai thí điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp, toàn quốc đã có 11.445 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Con số này chiếm khoảng 90% tổng số cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc, với 2.554.284 lượt tra cứu.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, các chỉ tiêu quan trọng của ngành đều đã tăng nhanh so với hết năm 2021. Tuy nhiên, nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm của toàn ngành vẫn còn không ít khó khăn. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, cần phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho phù hợp với thực tiễn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các quy trình, quy chế, đề án của ngành, sao cho cán bộ ở cơ sở dễ hiểu, dễ thực hiện.
Về các chỉ tiêu quan trọng, toàn ngành cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; tăng cường các giải pháp đôn đốc thu, giảm nợ, thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, cần thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Cùng với đó, giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06 của Chính phủ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; ưu tiên hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ đáp ứng tốt yêu cầu công việc của địa phương.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin