Trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc Dao

Hoàng Hưng 08:33, 04/10/2022

Xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên (Đại Từ) có 97% số hộ với trên 500 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Dao. Bà con nơi đây đã thành lập được Câu lạc bộ (CLB) giữ gìn bản sắc văn hóa Dao, góp phần bảo tồn và làm cho những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình đẹp hơn, phù hợp với đời sống hiện đại.

Vào mỗi sáng Chủ nhật hằng tuần, các thành viên Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa Dao xóm Tân Lập lại tập trung sinh hoạt, trao truyền những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao.
Vào mỗi sáng Chủ nhật hằng tuần, các thành viên Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc văn hóa Dao xóm Tân Lập lại tập trung sinh hoạt, trao truyền những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao.

Vào mỗi sáng Chủ nhật hằng tuần, thành viên CLB giữ gìn bản sắc văn hóa Dao xóm Tân Lập lại tập trung về Nhà văn hóa xóm để sinh hoạt. Những phụ nữ đi cùng con của mình mang theo vải, đồ may, thêu thổ cẩm. Các anh, các chú biết chữ Dao thì mang theo sách, chuẩn bị bài giảng để dạy chữ cho đám trẻ.

Bà Triệu Minh Loan, năm nay 70 tuổi, vẫn duy trì thói quen tự tay may, thêu quần áo cho mình và người thân. Là thành viên nòng cốt của CLB, bà dành nhiều thời gian truyền dạy lại kỹ năng may, thêu cho lớp trẻ. Bà Loan chia sẻ: Mình biết thêu nên cần phải dạy lại cho lớp trẻ, nếu không lớp già qua đi sẽ không còn ai biết thêu, may những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao nữa.

Cùng với phương pháp thêu truyền thống, lớp người cao tuổi ở xóm Tân Lập cũng đang nỗ lực để truyền lại chữ viết của người Dao cho lớp trẻ. Ông Triệu Văn Viên là một trong những người am hiểu văn hóa, giỏi và tâm huyết với chữ Nôm Dao, nắm rõ các nghi lễ thờ cúng. Những năm qua, ông Viên đã sưu tầm, lưu giữ được nhiều sách cổ. Được sự động viên của bà con trong xóm, cùng với lòng nhiệt huyết của mình, ông cùng với các thành viên trong CLB mở lớp học chữ Nôm Dao miễn phí cho trẻ em và người muốn học chữ trong xóm.

“Chúng tôi tranh thủ các buổi tối và dịp cuối tuần để truyền dạy, học tập. Chữ Nôm Dao là loại chữ khó viết, khó học, nên đòi hỏi cả người dạy và người học đều phải kiên trì. Một người trung bình học khoảng 2-3 năm thì mới có thể đọc thông viết thạo” - ông Viên nói.

Bà Triệu Minh Loan, 70 tuổi hướng dẫn em Trần Thu Hiền, học sinh lớp 9A, Trường THCS Phú Xuyên, phương pháp thêu truyền thống của người dân tộc Dao.
Bà Triệu Minh Loan, 70 tuổi hướng dẫn em Trần Thu Hiền, học sinh lớp 9A, Trường THCS Phú Xuyên, phương pháp thêu truyền thống của người dân tộc Dao.

Bên cạnh truyền dạy chữ viết và may thêu, một số người trung tuổi của CLB cũng quan tâm luyện tập và truyền dạy các làn điệu Pả Dung. Chị Dương Thị Kim Cảnh, một trong những thành viên sáng lập CLB, cho biết: “Hiện nay lớp trẻ có sự giao thoa nhiều luồng văn hoá cho nên nhiều người không còn biết hát dân ca Dao. Đứng trước nguy cơ bị mai một, chúng tôi đã nhờ các cụ cao niên trong xóm truyền dạy làn điệu Pả Dung và một số điệu múa truyền thống như: Múa chuông, múa bắt ba ba, múa kiếm, múa đao...

CLB giữ gìn bản sắc văn hóa Dao ở xóm Tân Lập thành lập năm 2021, được đông đảo bà con hưởng ứng, thu hút được 30 thành viên với nhiều thế hệ, lứa tuổi tham gia. CLB có quy chế và mục tiêu hoạt động rõ ràng. Đó là nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy miễn phí văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Dao, như: Tiếng nói, chữ viết; duy trì, phát huy giá trị các nghi lễ cúng tổ tiên, cấp sắc; thêu hoa văn trang trí trên trang phục; các làn điệu Pả Dung, điệu múa truyền thống của dân tộc… Các thành viên tự đóng góp kinh phí và huy động nguồn xã hội hóa; thường xuyên tổ chức sinh hoạt, luyện tập với mục đích cùng nhau giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Anh Bàn Tiến Dũng, Trưởng xóm, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: Hoạt động của CLB đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao, thể hiện niềm tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của mỗi người. Đây là yếu tố quan trọng, giúp đồng bào người dân tộc Dao ở Tân Lập bảo tồn, lưu truyền được mạch nguồn văn hóa - tài sản quý báu của cha ông đến thế hệ mai sau.