Đại Từ "bật chế độ" phòng “bà hỏa”

Hải Hằng 10:25, 05/11/2022

Cháy, nổ từ lâu luôn là nỗi lo lắng của toàn xã hội, đặc biệt vào thời điểm mùa hanh khô như hiện nay, càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy. Nhằm ngăn ngừa các vụ cháy, nổ, mỗi người dân cần đề cao tinh thần cảnh giác, ý thức chấp hành tốt các yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ mọi lúc, mọi nơi để hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra…

Sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề về công tác phòng cháy chữa cháy tại Trường THCS dân tộc nội trú Đại Từ.
Sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề về công tác phòng cháy, chữa cháy tại Trường PT Dân tộc Nội trú THCS Đại Từ.

Huyện Đại Từ là địa phương có nhiều doanh nghiệp, mỏ khai thác, hộ kinh doanh, trong đó có những đơn vị có sử dụng vật liệu nổ và các cơ sở kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ như: xăng, dầu, gas, sản xuất chế biến gỗ, hàng mã, karaoke...

Tính trong 3 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện xảy ra trên 10 vụ cháy. Nguyên nhân cháy phần lớn là do ý thức của tổ chức, cá nhân trong công tác phòng cháy còn hạn chế, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thiết kế hệ thống phòng cháy của các cơ sở chưa đúng quy chuẩn. Đặc biệt, các hộ dân chưa thực sự đề cao cảnh giác trong việc sử dụng điện, gas, chất đốt...

Nhận thức rõ được nguy cơ tiềm ần của “giặc” lửa cũng như nguyên nhân của các vụ hỏa hoạn, huyện Đại Từ đã, đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn ngừa những vụ hỏa hoạn có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Trong đó công tác phòng cháy được đặt lên hàng đầu.

Huyện đặc biệt coi trọng tuyên truyền về phòng cháy thông qua nhiều hình thức như: phương tiện thông tin đại chúng, hội họp, hội thi… Đối tượng tuyên truyền cũng đa dạng từ học sinh đến cán bộ, công nhân, người dân… Cùng với đó, hằng năm, huyện đều tổ chức ký cam kết về thực hiện quy định phòng cháy, chữa cháy với 100% hộ dân và học sinh các cấp. Thông qua đó, giúp người dân nâng cao ý thức về phòng cháy; cách khắc phục sự cố cháy, nổ xảy ra trong sử dụng điện, xăng dầu, khí hóa lỏng; tính năng, cách bảo quản, sử dụng một số phương tiện phòng cháy, chữa cháy, thao tác sử dụng phương tiện chữa cháy thông dụng...

Từ năm 2018 trở lại đây, huyện Đại Từ thường xuyên duy trì hoạt động của 483 đội phòng cháy, chữa cháy dân phòng tại 100% xóm, tổ dân phố. Đặc biệt, các địa phương đã xây dựng mô hình phòng cháy, chữa cháy tại các địa bàn có nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ, hỗ trợ nhau trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Một trong những mô hình tiêu biểu là Tổ liên gia an toàn phòng cháy và chữa cháy tổ dân phố Sơn Hà, thị trấn Hùng Sơn. Đây vốn là địa bàn trung tâm huyện, có nhiều hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh, nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy. Mô hình gồm 5 hộ dân, có quy chế hoạt động cụ thể, được gắn chuông báo động cháy thông với nhau, thông tin liên lạc thông suốt, để khi xảy ra sự cố cháy, các hộ liền kề hô hoán, báo cháy cho đội trưởng dân phòng tổ dân phố, chủ tịch UBND thị trấn, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Đồng thời, các hộ cũng thực hiện công tác chữa cháy ban đầu như: mở các lối thoát khói, thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra ngoài… nhằm khống chế đám cháy, hạn chế đến mức thấp nhất về người và tài sản.

Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, huyện Đại Từ thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm các quy định về lĩnh vực này. Mới đây nhất, thực hiện chiến dịch tổng rà soát, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, huyện đã rà soát được 1.732 cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn, tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với 315 cơ sở theo phân cấp. Nội dung kiểm tra tập trung vào hồ sơ theo dõi phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của cơ sở; quản lý, sử dụng hệ thống thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, hóa chất dễ cháy, nổ; việc đảm bảo các yêu cầu về đường giao thông, khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy, nguồn nước chữa cháy…

Kết quả kiểm tra cho thấy, phần lớn các đơn vị đã lập hồ sơ quản lý về phòng cháy, chữa cháy theo quy định, đồng thời, xây dựng phương án chữa cháy tại cơ sở. Tuy nhiên, việc trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ vẫn chưa đầy đủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 4 cơ sở vi phạm quy định trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở phải khắc phục tất cả những tồn tại, vi phạm, kiên quyết không để các cơ sở vi phạm hay có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động.

Các vụ cháy, nổ luôn xảy ra bất ngờ, yếu tố nguy hiểm cao. Vì vậy, để hạn chế xảy ra cháy, nổ  ngoài việc các cấp, ngành triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp thì mỗi người dân cần nhận thức rõ sự nguy hiểm của “giặc” lửa, từ đó không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định phòng cháy, chữa cháy, tránh những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.


Từ khóa:

phòng cháy

chữa cháy

cháy

nổ