Được vào làm việc trong khu vực công lập với suất biên chế là điều rất nhiều người hằng mong muốn. Tuy nhiên, mức lương chưa cao như hiện nay lại khiến không ít công chức, viên chức (CC-VC) đắn đo, trăn trở và có sự cân nhắc... Do vậy, việc tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng từ 1-7-2023 sẽ phần nào làm yên lòng CC-VC.
Việc tăng mức lương cơ sở sẽ giúp CC-VC, nhất là đội ngũ công tác trong ngành Y tế, Giáo dục thêm yên tâm gắn bó với nghề hơn. |
Tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua, vấn đề CC-VC bỏ việc, chuyển việc và tăng mức lương cơ sở đã trở thành đề tài nóng được đưa ra tranh luận, bàn thảo tại nghị trường. Chuyện CC-VC nghỉ việc, chuyển việc sang cơ sở tư nhân với số lượng lớn trong cả nước là điều đáng lo ngại.
Giải pháp trước mắt là tăng mức lương cơ sở song hành với cải cách chính sách tiền lương đã nhận được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội cũng như CC-VC cả nước.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, nhiều người nghĩ việc CC-VC bỏ việc hoặc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư cũng diễn ra “nóng” như một số nơi trong cả nước. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, bản chất không phải như vậy.
Thông tin từ các phòng chuyên môn của Sở Nội vụ, trong thời gian qua, số CC-VC nghỉ việc chỉ có trên 200 người, chủ yếu là các trường hợp về nghỉ theo chế độ, chính sách hiện hành. Tức là họ nghỉ nhưng vẫn được hưởng lương hưu cùng với chế độ kèm theo. Số CC-VC trong tỉnh bỏ biên chế có rất ít trường hợp, như TP. Phổ Yên chỉ có 4 giáo viên mầm non xin nghỉ việc (1 người đã nghỉ việc, 3 người đã nộp đơn đến cơ quan có thẩm quyền).
Công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa xã Thần Sa (Võ Nhai). |
Chị Ma Thị Hải Yến là giáo viên một trường mầm non công lập trên địa bàn TP. Thái Nguyên có hơn 13 năm công tác hưởng lương biên chế VC. Vậy nhưng đến nay, tất cả thu nhập từ nghề (gồm lương, phụ cấp đứng lớp, thâm niên công tác) của chị chỉ được trên 6 triệu đồng/tháng. Chị Yến hiện hưởng hệ số 3,67 nhân với mức lương cơ sở.
Với chị Bạch Thúy Nga, cũng là giáo viên cùng trường, thì mức thu nhập như chị Yến lại là điều mơ ước. Chị Nga chia sẻ: Theo quy định của Ngành, sau thi tuyển làm giáo viên mầm non, tôi bắt đầu được hưởng lương khởi điểm từ bậc trung cấp (1,86). Sau 1 đợt nâng bậc lương (lên 2,1), mức thu nhập của tôi cũng chỉ là 3,8 triệu đồng/tháng. Thú thật, tôi cũng đã từng đắn đo, suy nghĩ bỏ việc ra ngoài làm tự do, nhưng thấy tiếc công bao năm thi cử, học hành và được người thân động viên nên vẫn theo nghề.
Còn anh Hoàng Văn Giang, bác sĩ tại một bệnh viện tuyến huyện, cho biết: Để trở thành bác sĩ, trước hết phải có điểm thi đầu vào rất cao, sau đó là 6 năm học tập. Chưa dừng lại ở đó, nếu tôi muốn nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu xã hội thì cần học thêm rất nhiều như: Bác sĩ nội trú, thạc sĩ… Nói về chuyện tăng mức lương cơ sở, anh Giang chia sẻ: Thu nhập từ lương của tôi hiện chưa đạt 7 triệu đồng/tháng nhưng khi mức lương cơ sở tăng lên, thu nhập cũng tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, cùng với chính sách cải cách tiền lương đang được quan tâm, tôi và nhiều CC-VC khác kỳ vọng vào một tương lai khả quan hơn.
Nhìn chung, không chỉ hưởng mức lương thấp mà CC-VC hiện nay còn phải chịu áp lực công việc khá lớn, đặc biệt là khi Chính phủ triển khai tinh giản biên chế. Do đó, thông tin tăng mức lương cơ sở khiến nhiều CC-VC rất phấn khởi, điều này tiếp thêm động lực để họ yêu nghề, gắn bó với nghề và cống hiến nhiều hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin