Công tác hòa giải tại cơ sở được quan tâm thực hiện tốt đã giúp giải quyết kịp thời các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn; hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo lên cấp trên và thắt chặt hơn tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Các tổ hòa giải còn góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Thành viên Tổ hòa giải xóm Bình Nguyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa), thường xuyên hội ý, trao đổi kinh nghiệm hòa giải. |
Tổ dân phố Mãn Chiêm, phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên), hiện có hơn 300 hộ với gần 1.300 nhân khẩu. Là địa bàn đặc thù khi có một phần Khu công nghiệp Điềm Thuỵ, Quốc lộ 3 mới chạy qua và các khu tái định cư, nhưng Mãn Chiêm được đánh giá là khu dân cư yên bình; ít có mâu thuẫn, xích mích và chưa từng có đơn thư vượt cấp.
Kết quả này có đóng góp quan trọng của Tổ hoà giải cơ sở. Với 7 thành viên, gồm: Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, đại diện các đoàn thể và người có uy tín, Tổ hoà giải của Mãn Chiêm thường xuyên hội ý, phân công phụ trách các nhóm hộ để nắm bắt tâm tư của người dân.
Tổ trưởng tổ dân phố, ông Hà Văn Chăm, kể: Đầu năm nay, chúng tôi hòa giải thành công trường hợp hai vợ chồng mâu thuẫn đến mức có ý định ly hôn. Lý do là anh chồng thường uống rượu quá chén, về nhà to tiếng với vợ. Nắm được thông tin, các thành viên của Tổ đã đến tận nhà tìm hiểu, phân tích điều hơn thiệt; lúc trò chuyện với người chồng, khi tâm sự với chị vợ, tác động tư tưởng để các bên cùng lắng nghe, dần dần hóa giải mâu thuẫn. Giờ thì anh chồng đã chỉn chu hơn trong công việc và hạn chế uống rượu, bia, gia đình hòa thuận, vui vẻ với nhau.
Nhiều năm liên tục là Bí thư Chi bộ và Tổ trưởng Tổ hòa giải của xóm 7, xã Vạn Thọ (Đại Từ), bằng uy tín và trách nhiệm của mình, ông La Văn Khoát đã góp sức tạo sự bình yên cho khu dân cư. “Để hòa giải các mâu thuẫn cần am hiểu pháp luật và có uy tín trong cộng đồng dân cư. Mình không gương mẫu thì nói chẳng ai nghe. Tuy vậy, không phải chuyện gì cũng đưa pháp luật hay quy định ra là giải quyết được, cần phát huy tình làng nghĩa xóm, khéo léo kết hợp giữa lý và tình.” - Ông Khoát chia sẻ.
Mới đây, tại xóm 7 xảy ra vụ tranh chấp đất giữa hộ ông Nguyễn Văn Hà và Lưu Văn Quyên. Nắm bắt thông tin, ông Khoát và thành viên trong Tổ hòa giải đã hội ý và thống nhất phương án giải quyết. Mất nhiều lần đến để lựa lời chia sẻ, động viên theo phương châm “mưa dầm thấm sâu"; kết hợp với lý lẽ, căn cứ vừa hợp tình, hợp lý vừa đúng quy định pháp luật, các thành viên của Tổ đã dần hoá giải mâu thuẫn giữa hai gia đình.
Hiện nay, hầu hết các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều thành lập và duy trì tốt hoạt động của các tổ hòa giải. Mỗi tổ trung bình có 5-7 thành viên là người có kinh nghiệm trong cuộc sống, kiến thức pháp luật và trách nhiệm với công việc hoà giải; nhất là tiếng nói có trọng lượng trong cộng đồng dân cư.
Các thành viên này được người dân bầu chọn và UBND cấp xã ra quyết định công nhận. Bên cạnh giải quyết các mâu thuẫn, các hòa giải viên còn tích cực truyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Nhiều trường hợp vì không hiểu luật mà vi phạm, phát sinh tranh chấp. Khi được tuyên truyền thấu tình đạt lý, họ thừa nhận lỗi sai và chủ động khắc phục, những mâu thuẫn từ đó cũng được hóa giải.
Hoạt động hiệu quả của các tổ hòa giải giúp phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong toàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Mối gắn kết chặt chẽ trong từng gia đình và cộng đồng dân cư được phát huy là diểm tựa để xây dựng những vùng quê thêm giàu đẹp, yên bình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin