Điểm tựa tin cậy cho người yếu thế

Hoàng Anh 10:17, 06/11/2022

Cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí; giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người yếu thế; đưa hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, đồng thời trợ giúp pháp lý (TGPL) cho bà con ngay tại cơ sở… đó là những nét nổi bật trong hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) thời gian qua.

Cán bộ Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh trợ giúp cho người dân xã Thần Sa.
Cán bộ Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh trợ giúp cho người dân xã Thần Sa.

Một ngày đầu Đông, khi màn sương còn vương trên ngọn cỏ, hàng chục người dân từ các xóm Kim Sơn, Trung Sơn… của xã Thần Sa (Võ Nhai) đã hồ hởi đến Trung tâm văn hóa xã để được nghe tuyên truyền, tư vấn TGPL.

Hội nghị do Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh phối hợp với địa phương tổ chức và thông báo tới bà con trước đó vài ngày. Tuy nhiều xóm ở xa trung tâm xã nhưng rất nhiều người đã có mặt tại hội trường từ sớm, sẵn sàng lắng nghe buổi tuyên truyền với nhiều nội dung bổ ích, như: Luật Giao thông, Đất đai, Dân số - kế hoạch hóa gia đình, chính sách cho người dân tộc thiểu số… Đây là một trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (9-11) năm 2022.

Trong buổi tuyên truyền, mọi người dân có mặt tại hội trường đều chăm chú nghe cán bộ Trung tâm thuyết trình, hướng dẫn, có người mang theo cả giấy, bút ghi chép cẩn thận.

Trong giờ giải lao, chị Đồng Thị Phương, người dân tộc Tày, hào hứng nói: Tôi thấy những điều cán bộ phổ biến đều rất có ích và thiết thực với bà con. Từ những gì được nghe, hướng dẫn hôm nay, chúng tôi có thể vận dụng để giải quyết những sự việc, mâu thuẫn trong cộng đồng nếu gặp phải hoặc biết tìm đến nơi tin cậy có thể giải đáp, giúp mình xử lý.

Được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lưu động tại 70 điểm. Trong đó, trên 50 điểm được thực hiện tại các xã, xóm thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thần Sa: Với đặc thù trên 70% đồng bào là người dân tộc thiểu số, trình độ và nhận thức pháp luật còn hạn chế, như Thần Sa thì buổi tuyên truyền, TGPL cho bà con ngay tại địa phương là rất thiết thực và có ý nghĩa quan trọng. Qua đó, bà con sẽ hiểu và chấp hành pháp luật tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách, dự án…

Bên cạnh những buổi tuyên truyền, tư vấn TGPL miễn phí tại các xã vùng núi, đông người dân tộc thiểu số sinh sống, Trung tâm TGPL tỉnh còn tiếp nhận, TGPL miễn phí cho nhiều đối tượng yếu thế khác trong xã hội.

Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận, TGPL cho trên 300 trường hợp là người yếu thế. Trong đó có gần 140 người dưới 18 tuổi; gần 70 người dân tộc thiểu số; 70 trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo và hàng chục đối tượng là người khuyết tật, người cao tuổi và người có công.

Bà Lê Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, thực hiện TGPL miễn phí tại nhà cho anh Ngô Văn Định, xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá (Võ Nhai), người bị khuyết tật đặc biệt nặng.
Bà Lê Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, thực hiện TGPL miễn phí tại nhà cho anh Ngô Văn Định, xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá (Võ Nhai), người bị khuyết tật đặc biệt nặng.

Trong hàng trăm người yếu thế được Trung tâm TGPL miễn phí, mỗi người có một hoàn cảnh và câu chuyện riêng. Người vì thiếu hiểu biết pháp luật, người vì bồng bột nông nổi, người vì lợi ích trước mắt mà phạm pháp. Lại có trường hợp do nhẹ dạ cả tin, ngây thơ, không cưỡng nổi cám dỗ… mà trở thành nạn nhân.

Vậy nhưng, là đối tượng yếu thế, khi có yêu cầu thì họ đều được Trung tâm cử người TGPL với tinh thần và trách nhiệm cao nhất. Điển hình như trường hợp N.T.L (sinh năm 2005, ở phường Đắc Sơn, TP. Phổ Yên), là người bị buộc tội trong vụ án “Cố ý gây thương tích”.

Để giải quyết mâu thuẫn cá nhân, L. cùng một số đối tượng khác đã tham gia vụ hành hung khiến một nữ sinh khác bị thương. Vụ việc đã bị cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ngay sau khi nhận được thông báo TGPL cho người dưới 18 tuổi, Trung tâm TGPL tỉnh đã cử trợ giúp viên tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra.

Trong quá trình điều tra, trợ giúp viên pháp lý đã thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, nắm thông tin cũng như tâm tư nguyện vọng của cả hai phía bị can và bị hạị; tuyên truyền, phân tích những điều được - mất một cách thấu tình đạt lý cho cả hai phía.

Phần lớn từ sự vào cuộc tích cực của trợ giúp viên pháp lý, phía bị hại đã tự nguyện làm đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với N.T.L; rút đơn đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Từ căn cứ trên, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can đối với N.T.L, giúp em có thêm cơ hội để sửa chữa lỗi lầm, trở thành người có ích cho xã hội…

Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, cho biết: Đối với người yếu thế, khi nhận được thông tin, Trung tâm cử người đến tận nơi kiểm tra, xác minh ngay để kịp thời trợ giúp. Tuy cùng là người yếu thế nhưng mỗi người có hoàn cảnh, hiểu biết khác nhau. Họ thường gặp khó khăn về tài chính và đi lại, thiếu nhận thức pháp luật… Do vậy, trong quá trình trợ giúp, chúng tôi yêu cầu trợ giúp viên phải tiếp cận thường xuyên, chủ động tìm kiếm thông tin, tài liệu chứng cứ giúp “thân chủ”. Bên cạnh đó, chúng tôi phải lựa chọn người phù hợp, ngoài chuyên môn nghiệp vụ còn phải đáp ứng các tiêu chí khác như: Cách ứng xử, trình độ tâm lý học giao tiếp… để đạt hiệu quả cao nhất. Bởi TGPL cho người yếu thế không chỉ đơn giản chỉ là hỗ trợ về pháp luật.