Lương chưa tăng, giá đã tăng. Chính sách đi vào cuộc sống chậm hơn so với biến động thị trường. Hệ quả là giá, lương, tiền giống như một vũ điệu lỗi nhịp. Nhiều người lao động (NLĐ) hưởng lương từ ngân sách nhà nước chưa mấy yên tâm gắn bó, sẵn sàng tìm công việc mới bên ngoài với hy vọng thay đổi cuộc sống.
Giá xăng, dầu là mối quan tâm lớn của nhiều người. Ảnh minh họa. |
Tốt nghiệp đại học loại giỏi, thi đỗ công chức với hệ số lương khởi điểm là 2,34, tân công chức sẽ được hưởng số tiền gần 3,5 triệu đồng/tháng, chưa trừ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các loại phí khác cần phải tham gia. Sẽ sống như thế nào nếu tân công chức phải đi thuê nhà, mua sắm phương tiện đi lại và một số thiết bị phục vụ cho công việc như máy vi tính, điện thoại...
Anh Trần Văn Tuấn, viên chức trong một cơ quan của tỉnh, cho biết: Tôi đi làm được 10 năm. Đã 3 lần tăng lương nhưng xe tôi đi bố mẹ mua, nhà tôi ở là của ông bà ngoại các cháu. Lương được thực lĩnh gần 4,5 triệu đồng/tháng nên chưa có khả năng tích lũy…
Cũng như anh Tuấn, hầu hết NLĐ sống cậy vào đồng lương đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người muốn bỏ việc ra ngoài nhưng không biết sẽ làm gì để sống. Đành tự động viên bám trụ lại vì có chế độ bảo hiểm xã hội để sống khi về già.
Chấp nhận một cuộc sống chật vật, khó khăn, động đâu thiếu đó vì giá cả leo thang từng ngày. Chỉ các bà nội trợ là thấu hiểu nỗi niềm cơm áo, đau đắng tự lòng mình vì tiền lương gần như dậm chân tại chỗ, song các khoản cần chi tiêu tăng hơn rất nhiều.
Xăng, dầu được ví như chiếc hàn biểu kế dự báo về các đợt tăng giá của sản phẩm hàng hóa. Giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng kéo theo hàng loạt các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xã hội tăng. Đến mấy bà bán rau ngoài vỉa hè cũng trình bày mớ rau tăng vì giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại phí dịch vụ tăng nên rau tăng giá là điều hiển nhiên.
Giá cả thị trường giống như một “vận động viên điền kinh chuyên nghiệp”, còn tiền lương giống như một “cụ rùa” chậm rãi bước, vì thế trên đường đua mang tên giá, lương, tiền - vận động viên chuyên nghiệp chạy với tốc độ chóng mặt, bỏ lại rất xa phía sau là cụ rùa. Dù biết mình chậm trong cuộc đua, nhưng cụ rùa không vội vã, mặc kệ thị trường biến động, thậm chí nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đột biến tăng về giá. Hệ quả là giá các mặt hàng tiêu dùng càng tăng thì đời sống người hưởng lương từ ngân sách nhà nước càng thấp.
Tăng lương, một giải pháp an sinh xã hội, khuyến khích đội ngũ NLĐ yên tâm, gắn bó và cống hiến cho xã hội. Nhưng thực tế lương chưa tăng thì giá cả đã chạy trước.
Cuộc “rượt đuổi” giữa lương và giá từng tồn tại nhiều năm, và chưa biết đến bao giờ mới đến hồi kết. Tuy nhiên, việc tăng lương giống như một sự tiếp sức, hỗ trợ cho NLĐ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Nhất là sau gần 3 năm bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng, NLĐ càng mong muốn được tăng lương sớm. Vì bởi tiền lương quyết định sự gắn bó của NLĐ với công sở.
Người xưa dạy: “Có thực mới vực được đạo”. Có mức lương đủ nuôi sống bản thân, gia đình, NLĐ mới tận tụy với công việc chuyên môn, không “chân ngoài dài hơn chân trong”, không nhũng nhiễu người dân và hạn chế được hiện tượng tham ô, tham nhũng, hoặc thói làm việc bạ chăng hay chớ, vô trách nhiệm.
Dự kiến năm 2023 sẽ có đợt tăng lương mới. NLĐ trên cả nước mừng khấp khởi, nhưng cũng lo nhiều. Vì không biết tiền lương được tăng có đủ mạnh để chạy kịp với giá cả thị trường.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin