Tăng lương cơ sở - Thêm động lực cống hiến

Hằng Nga 09:25, 27/11/2022

Ngày 11-11-2022, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành). Như vậy, sau 3 năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc quyết định tăng lương cơ sở là niềm vui lớn đối với công chức, viên chức, người lao động, giúp họ nâng cao tinh thần làm việc và hiệu quả lao động.

Chi phí học tập, ăn bán trú, các khoản đóng góp hằng tháng bình quân của học sinh tiểu học ở TP. Thái Nguyên từ 1-2 triệu đồng/học sinh.Trong ảnh: Giờ ăn bán trú của khối lớp 1 Trường Tiểu học Đội Cấn 2, TP.Thái Nguyên.
Chi phí học tập, ăn bán trú, các khoản đóng góp hằng tháng bình quân của học sinh tiểu học ở TP. Thái Nguyên từ 1-2 triệu đồng/học sinh.Trong ảnh: Giờ ăn bán trú của khối lớp 1 Trường Tiểu học Đội Cấn 2, TP.Thái Nguyên.

Những ngày này, câu chuyện được nói nhiều nhất tại giờ giải lao giữa các tiết học của các thầy, cô giáo Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng (Đồng Hỷ) là vấn đề tăng lương cơ sở. Cô giáo Vi Thị Phương, dạy ở Điểm trường Liên Phương, chia sẻ: Nhà em ở Phú Đô, huyện Phú Lương, từ nhà đến Điểm trường hơn 20km. Lương và phụ cấp của em được hơn 7 triệu đồng, phải tằn tiện mới đủ chi phí nuôi 2 con đi học mầm non. Nghe thông tin tăng lương cơ sở từ 1-7-2023, em và các đồng nghiệp rất vui. 

Theo cô giáo Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, toàn Trường có 30 cán bộ, giáo viên, trong đó, 28 người trong biên chế. 2/3 giáo viên của Trường có gia đình ở TP.Thái Nguyên, người đi về trong ngày gần nhất là hơn 30km, xa nhất là trên 70km. Trong số giáo viên nêu trên có 8 người thâm niên công tác 10 năm nhưng mức lương trung bình chỉ từ 6-8 triệu đồng. Để tiết kiệm chi phí đi lại, một số giáo viên dạy ở Điểm trường Bản Tèn, Liên Phương ở lại Trường, cuối tuần mới về nhà. Thông tin tăng lương cơ sở lần này khiến cán bộ, giáo viên Nhà trường rất vui mừng, đây cũng là giải pháp để giữ chân thầy, cô ở lại với Ngành.

Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội phục vụ nhân dân trong toàn tỉnh. Ảnh CTV
Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội phục vụ nhân dân trong toàn tỉnh. Ảnh CTV

Cùng với chính sách tăng lương cơ sở, Quốc hội còn quyết định tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.

Như vậy, không riêng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội còn là niềm vui chung của các cán bộ hưu trí… Chị Nguyễn Thu Hằng, ở tổ 2, phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên, cho biết: Mẹ tôi năm nay 79 tuổi, về hưu từ năm 1989, sau nhiều lần nâng lương, mức lương hiện được hưởng rất thấp, trên 3,5 triệu đồng. Theo tính toán của tôi, sau nâng lương lần này, bà được tăng thêm hơn 1 triệu đồng/tháng.

Vấn đề tăng lương cơ sở đã được đặt ra từ nhiều năm trước. Năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương với mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội phương án điều chỉnh tăng lương cơ sở vào năm 2023. Theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội thì quyết định tăng lương cơ sở lần này sẽ tạo ra động lực mới, giảm tình trạng công chức, viên chức, nhất là ngành Y tế, Giáo dục xin thôi việc như thời gian vừa qua.

Thực tế nhìn vào bảng lương hiện tại rồi nhân với hệ số lương cơ sở là 1,49 triệu đồng thì lương của một sinh viên mới ra trường vào làm việc ở cơ quan nhà nước (hệ số 2,34) chỉ vào khoảng 3,5 triệu/tháng. Nếu chưa có nhà ở thì số tiền này chỉ đủ để thuê phòng trọ, ăn cơm bình dân cho một người trong một tháng.

Trong khi đó, nhiều cặp vợ chồng trẻ gửi con ở nhà trẻ tư thục chi phí ăn bán trú và học phí đã lên tới 2-3 triệu đồng/cháu. Các bậc tiểu học, THCS, THPT, chi phí học tập, ăn bán trú, các khoản đóng góp hằng tháng bình quân cũng từ 1-2 triệu đồng/học sinh…

Với mức điều chỉnh tăng lương từ 1-7-2023, tiền lương cơ sở tăng khoảng 20,8%, tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương. Bởi khung cải cách tiền lương dự kiến thấp nhất so với mức lương hiện hành tăng khoảng 29%, mức cao nhất khoảng trên 40%.

Quyết định tăng lương cơ sở từ 1-7-2023, chính là tiền đề cho việc cải cách tiền lương. Tuy nhiên, cùng với việc tăng lương, theo ý kiến của nhiều cán bộ, công chức thì Chính phủ cần có nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát. Mặt khác, tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Trả lương đúng cho người lao động chính là thực hiện đầu tư cho phát triển, góp phần quan trọng làm lành mạnh, trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm và hiệu suất công tác.