Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về sáp nhập, giải thể, đổi tên xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, xã Dương Thành (Phú Bình) đã thực hiện sáp nhập 6 xóm không đủ điều kiện về diện tích, dân số. Khó khăn đặt ra đối với các xóm sau sáp nhập là việc xây dựng nhà văn hóa mới đảm bảo về diện tích khuôn viên, chỗ ngồi... Nhưng các xóm ở xã Dương Thành đã chủ động triển khai hiệu quả việc này.
Nhà văn hoá xóm Giàng, xã Dương Thành. |
Xóm Phẩm 1 và Phẩm 2 sau sáp nhập được lấy tên là xóm Phẩm 1. Trước đó, mỗi xóm có một nhà văn hoá nhưng đều nhỏ hẹp, do được xây dựng từ lâu. Để đảm bảo nơi sinh hoạt cho 176 hộ dân và trên 800 nhân khẩu trong xóm cần có nhà văn hóa đủ diện tích và các thiết chế phù hợp với quy mô mới.
Ông Dương Văn Quý, Trưởng xóm Phẩm 1, cho biết: Sau khi xóm mới được hình thành, Ban Công tác Mặt trận và xóm đã họp dân để bàn, thống nhất về phương thức, mức đóng góp của nhân dân trong xây dựng nhà văn hoá mới, trên tinh thần đồng thuận của mọi người. Theo đó, xóm chia thành 2 giai đoạn đóng góp, đợt một thu theo hộ gia đình với mức 1 triệu đồng mỗi hộ; đợt hai thu theo khẩu với mức 300 nghìn đồng một khẩu. Hiện nay, nhân dân trong xóm đã hoàn thành 2 đợt đóng góp với kinh phí 540 triệu đồng và đã được gửi vào ngân hàng, chờ triển khai xây dựng.
Nhờ phát huy dân chủ nên hầu hết các xóm mới sáp nhập khi triển khai xây dựng nhà văn hoá đều nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, không chỉ bằng tinh thần mà còn bằng việc đối ứng đầy đủ và kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Hợi, một người dân xóm Núi, cho biết: Sau khi xóm có Nghị quyết về xây dựng nhà văn hoá mới, nhân dân chúng tôi đã được tham gia họp bàn, thống nhất mức đối ứng. Mỗi hộ trong xóm đóng góp theo 2 đợt, đợt một đóng 1,5 triệu đồng/hộ; đợt 2 đóng góp 3 trăm nghìn đồng/khẩu. Đến nay, gia đình tôi và nhiều hộ đã hoàn thành việc đối ứng tiền đợt 1, đảm bảo trong thời gian quy định.
Ông Dương Xuân Hồng, Trưởng xóm Núi, thông tin: Xóm bắt đầu thu tiền đối ứng làm nhà văn hoá từ tháng 4/2022, đến nay đã có trên 80% số hộ hoàn thành đối ứng lần 1, với mức 1,5 triệu đồng/ hộ và gần 40% nhân khẩu trong xóm đối ứng lần 2. Không chỉ nhận được sự đồng tình của người dân, xóm còn có sẵn quỹ đất để xây dựng nhà văn hoá mới trên diện tích 3.000m2.
Ông Nguyễn Văn Cung, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Thành, cho biết: Ngay sau khi sáp nhập, Đảng uỷ đã có chủ trương, Nghị quyết để các xóm này triển khai xây dựng nhà văn hoá đạt chuẩn. Nhờ đó, đến nay 5/6 xóm mới sáp nhập đã huy động được nguồn lực trong nhân dân với số tiền 200 - 540 triệu đồng, gửi vào ngân hàng, có quỹ đất đảm bảo để xây dựng nhà văn hoá. Theo thiết kế chung, các nhà văn hoá sắp được xây dựng đều có diện tích trên 250m2, với mức đầu tư từ 800 đến khoảng 1 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.
Xây dựng nhà văn hoá sau sáp nhập là một nhu cầu cần thiết của mỗi địa phương, sự đồng thuận trong nhân nhân là điều kiện “cần”, sự hỗ trợ kịp thời, phù hợp của Nhà nước là điều kiện “đủ”. Có như vậy, việc xây dựng nhà văn hoá ở các xóm sau sáp nhập mới sớm thành hiện thực.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin