Dự án nuôi em: Tiếp sức cho học sinh vùng khó đến trường

Lưu Phượng 14:29, 30/03/2023

Nhằm chia sẻ khó khăn với học sinh nghèo vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, từ năm học 2022-2023, Câu lạc bộ (CLB) Trái tim Nhật Thiện triển khai Dự án nuôi em (DANE). Dù mới triển khai, song Dự án đã nhận được sự chung tay giúp đỡ của nhiều người, sự ủng hộ, đánh giá cao của các nhà trường. 

Anh Nguyễn Lê Sử, một trong những anh chị nuôi của DANE đang nhận hỗ trợ 10 em tại Trường Mầm non Yên Trạch, Phú Lương.
Anh Nguyễn Lê Sử, một trong những anh chị nuôi của DANE đang nhận hỗ trợ 10 em tại Trường Mầm non Yên Trạch, Phú Lương.

Anh Tống Đình Sơn, Chủ nhiệm CLB Trái tim Nhật Thiện, cho biết: DANE là một trong chuỗi dự án đang được thực hiện tại 30 tỉnh, thành trên cả nước do bạn Hoàng Hoa Trung, Phó Ban Mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực miền Bắc sáng lập. Nhận thấy đây là mô hình trợ giúp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của nhiều người và tại Thái Nguyên cũng có nhiều học sinh cần được trợ giúp nên CLB Trái tim Nhật Thiện quyết định thực hiện Dự án này và chọn chính những anh chị nuôi đã từng tham gia trước đó phụ trách.

Theo đó, Dự án hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non thuộc hộ nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn. Các anh chị đăng ký nhận nuôi sẽ trích ra 120 nghìn đồng/tháng/cháu hỗ trợ trẻ từ 2-5 tuổi ra lớp và 200 nghìn đồng/tháng/cháu cho trẻ dưới 2 tuổi (trong vòng một năm học). Số tiền này chuyển cho nhà trường theo từng đợt, từ đó các trường điều phối, chia đều vào số ngày ăn trưa để góp phần mang đến cho các em suất ăn chất lượng hơn.

Trước khi thực hiện, CLB đã khảo sát các điểm trường, điều kiện sinh hoạt, học tập, hoàn cảnh gia đình, sau đó lựa chọn các em có đủ điều kiện để lập hồ sơ hỗ trợ.

Dự án có tính chất mở, tức là tùy theo năng lực, nguyện vọng mà mỗi người có thể nhận nuôi một hay nhiều em. Việc theo dõi, quản lý học sinh cũng được CLB thực hiện khá bàn bản, chặt chẽ. Mỗi trẻ có một mã số riêng và mỗi anh chị nuôi được cấp một hoặc nhiều mã thẻ của mỗi trẻ (tùy vào số lượng nhận nuôi). CLB lập các nhóm Zalo để các cô phụ trách, anh chị nuôi có thể cập nhật, trao đổi thông tin, theo dõi tình hình của từng học sinh.

Tuy mới triển khai, nhưng hình thức trợ giúp này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người. Vì vậy, có học sinh cần trợ giúp, được cấp mã đến đâu là có người nhận nuôi đến đó.

Hiện nay, DANE đang có 40 anh chị nhận nuôi 87 trẻ tại điểm trường Lân Đăm xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) và Trường Mầm non Yên Trạch (Phú Lương). Trong số đó có nhiều người là thành viên của CLB tham gia tích cực như anh Nguyễn Lê Sử đang nhận nuôi 10 em ở Trường Mầm non Yên Trạch…

Cùng các anh chị nuôi của CLB đến thăm và bàn giao tiền hỗ trợ cho cô và trò tại các điểm trường kể trên, chúng tôi mới cảm nhận được hết ý nghĩa của Dự án này. Tại Lân Đăm, một trong những điểm trường đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ, cô Trần Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Sơn, cho biết: Điểm trường hiện có 13 học sinh, 100% là người dân tộc Mông. Gia đình các em đều là hộ nghèo, không có tiền đóng góp nên lâu nay kế hoạch cho học sinh ăn bán trú của Nhà trường chưa thực hiện được. Bởi vậy, học sinh học buổi sáng, trưa về nhà chiều lại đến lớp, trong khi đa số các em không được đón, đưa mà phải tự đi bộ, có em nhà cách trường 1km. Điều đó đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng dạy và học của cô và trò. Từ tháng 9-2022, CLB đã kết nối với một tổ chức từ thiện tại Hà Nội trang bị đồ dùng bếp ăn cho Trường. Thông qua DANE, các anh chị nuôi đã hỗ trợ tiền hàng tháng để các cô nấu cho các con những suất ăn ấm nóng, đầy đủ chất dinh dưỡng.

Còn tại Trường Mầm non Yên Trạch, Dự án đang hỗ trợ 73 em. Theo cô Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng Nhà trường, Dự án giúp phụ huynh vơi bớt khó khăn trong việc đóng góp kinh phí cho con em mình, tiếp sức cho các em học sinh đến trường, đây chính là nguồn động viên lớn để các em cùng nỗ lực học tập, vượt lên hoàn cảnh khó khăn…