Điểm tựa cho những nạn nhân da cam

Lưu Phượng 09:47, 11/04/2023

Chiến tranh lùi xa cách nay gần nửa thế kỷ nhưng đã để lại nỗi đau dai dẳng, nhức nhối với nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC). Với mục đích vận động nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC, từ năm 2019, UBND tỉnh đã kiện toàn Quỹ NNCĐDC/đioxin. Quỹ vừa là nơi thể hiện tinh thần trách nhiệm, tri ân của mỗi người, mỗi cơ quan đơn vị, doanh nghiệp với thế hệ cha anh, vừa là điểm tựa, động lực giúp nạn nhân vơi bớt khó khăn, vươn lên hoà nhập cộng đồng.

Thường trực Quỹ NNCĐDC tỉnh và Tập đoàn An Khánh trao tiền hỗ trợ xây nhà mới cho ông Nguyễn Văn Thay, xã Phượng Tiến, Định Hoá.
Thường trực Quỹ NNCĐDC tỉnh và Tập đoàn An Khánh trao tiền hỗ trợ xây nhà mới cho ông Nguyễn Văn Thay, xã Phượng Tiến, Định Hoá.

Quỹ NNCĐDC/đioxin được kiện toàn theo Quyết định số 1282/QĐ-UBND ngày 15/5/2019 của UBND tỉnh. Hội đồng Quản lý Quỹ có 11 người là đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ.

Từ khi Quỹ NNCĐDC được kiện toàn, đi vào hoạt động, đến nay đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hàng năm, cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đều ủng hộ, đóng góp vào Quỹ, năm sau luôn cao hơn năm trước. Trung bình mỗi năm, Quỹ tiếp nhận được 550 triệu đồng, góp phần đáng kể vào việc hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân và gia đình họ.

Từ số tiền vận động được và căn cứ vào số liệu điều tra, khảo sát gia cảnh các nạn nhân, Thường trực Quỹ sẽ phân bổ chỉ tiêu hỗ trợ, đồng thời yêu cầu hội NNCĐDC các huyện, thành phố lập danh sách kèm theo hồ sơ xác nhận của cấp uỷ, chính quyền và cơ quan liên quan theo quy định.

Phương châm là giúp đỡ nạn nhân theo hướng bền vững, cơ bản, ưu tiên nạn nhân vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Việc hỗ trợ làm nhà, sửa nhà cũng đảm bảo đúng đối tượng, đúng địa chỉ và tiêu chí giúp đỡ. 

Từ khi thành lập đến nay, Quỹ đã chăm sóc, giúp đỡ cho hàng nghìn lượt nạn nhân với nhiều hình thức. Cụ thể như: Sửa chữa, xây mới 13 ngôi nhà; tặng trên 1.000 suất quà dịp lễ, tết; hỗ trợ 63 nạn nhân mắc bệnh hiểm nghèo; hỗ trợ 71 nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 868 bộ sách giáo khoa, 8.680 quyển vở cho con, cháu nạn nhân; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 1.090 lượt người…

Theo đánh giá, công tác quản lý sử dụng Quỹ đúng điều lệ, quy chế. Công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC đúng đối tượng, hoàn cảnh và nhu cầu, không trùng lặp, đảm bảo công khai, minh bạch. Nạn nhân được giúp đỡ, nhất là làm nhà, sửa nhà đã giảm bớt một phần khó khăn, cải thiện điều kiện sinh hoạt, nhiều gia đình đã thoát nghèo, tiếp tục vươn lên hoà nhập cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Thay, xóm Tổ, xã Phượng Tiến (Định Hoá), là một trong những nạn nhân được Quỹ NNCĐDC và doanh nghiệp hỗ trợ tiền xây nhà mới. Ngôi nhà cấp 4 có diện tích 60m2, với tổng trị giá 175 triệu đồng. Trong đó có 40 triệu đồng từ Quỹ Hội NNCĐDC tỉnh, 50 triệu đồng do Tập đoàn An Khánh hỗ trợ; số tiền còn lại là gia đình, họ hàng, địa phương đóng góp, hỗ trợ. Ông Thay tâm sự: Vợ chồng tôi sức khoẻ yếu, cuộc sống chật vật khó khăn, chỉ biết trông chờ vào tiền trợ cấp hàng tháng dành cho NNCĐDC của tôi. Tôi không nghĩ cuộc đời mình có ngày lại được sống trong ngôi nhà đẹp thế này. 

Dù đã có những kết quả nhất định, nhưng ông Hoàng Đức, Giám đốc Quỹ, Chủ tịch Hội NNCĐDC/đioxin tỉnh, cho rằng: Công tác vận động nguồn lực vẫn gặp hạn chế do một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm. Đơn cử như năm 2022, trong tổng số 178 cơ quan, đơn vị do tỉnh quản lý thì mới có 110 đơn vị ủng hộ (đạt 62%); trên địa bàn có nhiều loại quỹ nên việc vận động gặp khó khăn... Thời gian tới, Thường trực Quỹ sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền để các đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu và nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, từ đó có sự chia sẻ, giúp đỡ phù hợp.

Toàn tỉnh hiện có trên 12,6 nghìn nạn nhân chất độc da cam, trong đó, trên 9,2 nghìn nạn nhân đang được hưởng chế độ ưu đãi. Qua điều tra, khảo sát của Hội NNCĐDC/đioxin, trên địa bàn tỉnh còn 4.493 người hoạt động kháng chiến trước ngày 30/4/1975 tại các vùng bị rải chất độc hoá học vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách. Bản thân, gia đình người bị ảnh hưởng của chất độc da cam đa phần cuộc sống khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.