Để góp phần bảo vệ môi trường sống, tạo cảnh quan đô thị, thời gian qua, TP. Thái Nguyên đã chỉ đạo trồng mới, trồng thay thế nhiều loại cây xanh đô thị trên một số tuyến đường, tuyến phố. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng, phát triển tốt, đạt mục tiêu tạo cảnh quan, bóng mát, bảo vệ môi trường thì cần sự chung sức của cả cộng đồng.
Mới đây, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên đã tiến hành lập biên bản về việc tỉa cành cây, lắp đặt đèn điện trang trí trái phép của bà T.L.T, chủ một quán nước trên đường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên). Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện bà T.L.T đang cho người tỉa cành cây và lắp đặt đèn điện trang trí trên cây khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép. Đơn vị quản lý đã đề nghị bà T.L.T dừng ngay việc tỉa cành cây trái phép và tháo dỡ toàn bộ đèn trang trí trên cây.
Vật liệu xây dựng đổ bừa bãi xung quanh gốc cây, tác động xấu đến sự phát triển của cây xanh (ảnh chụp trên đường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên). |
Gia đình bà T.L.T chỉ là một trong số nhiều trường hợp trên địa bàn TP. Thái Nguyên tự ý cắt tỉa cành cây xanh trong đô thị, lắp đặt đèn trang trí trên cây tại nhiều tuyến đường trong thời gian qua. Điều đáng nói, người dân còn đóng đinh vào cây để căng treo dây, lắp đặt biển quảng cáo hoặc đổ nước thải, rác thải vào bồn cây xanh. Tình trạng trên đang xuất hiện nhiều ở các tuyến phố chính của thành phố, đặc biệt là đường Hoàng Văn Thụ (khu vực quán Note Café, Chum Café…), đường Minh Cầu, đường Lương Ngọc Quyến…
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, hành động tự ý cắt tỉa, đóng đinh vào cây để căng dây, treo biển quảng cáo… của các hộ kinh doanh khiến cây bị tổn thương, mối mục, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng, phát triển của cây xanh.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Dịch vụ công ích TP. Thái Nguyên, cho biết: Hiện nay, trên các tuyến phố chính của thành phố có khoảng 8.000 cây xanh các loại (như: Sang, sala, bằng lăng, sao đen, xoài, xạ hương…). Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, cùng với việc quản lý các cây xanh hiện có, Ban Quản lý Dịch vụ công ích thành phố còn phối hợp với các địa phương, đơn vị, tổ chức đoàn thể tiến hành trồng mới, trồng thay thế cây xanh trên một số tuyến đường.
Về việc chăm sóc cây xanh đô thị trên địa bàn, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết: Với cây xanh bóng mát, Ban Quản lý Dịch vụ công ích thành phố có trách nhiệm cắt tỉa cành theo quy định đối với từng loại cây và từng thời điểm; quét vôi tạo cảnh quan (1 năm/1 lần vào cuối năm) và hạn chế sâu bệnh. Trước tình trạng nhiều hộ dân tự ý cắt tỉa cành, đóng đinh vào thân cây, căng treo biển quảng cáo trên cây…, thời gian qua, chúng tôi đã cử cán bộ nhắc nhở nhiều lần, tiến hành lập biên bản không ít trường hợp nhưng người dân vẫn cố tình thực hiện.
Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị đã có những quy định rõ ràng trong lĩnh vực này. Theo đó, việc trồng và chăm sóc cây xanh đô thị phải được tuân thủ theo đúng quy định từ công tác quy hoạch, chủng loại, chăm sóc định kỳ đến việc bảo vệ và xử lý kịp thời các trường hợp có tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong đô thị…
Từ những quy định trên có thể thấy, việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị trên địa bàn TP. Thái Nguyên cần được quan tâm hơn nữa. Các cơ quan chức năng của thành phố và chính quyền các địa phương cần sớm vào cuộc để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng tự ý cắt tỉa cây xanh và các tác động ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây, để cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ “lá phổi xanh” trong đô thị.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin