Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh rộ lên thông tin khi nghe điện thoại từ số máy lạ có thể sẽ bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng. Thông tin này gây hoang mang với người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vì kiến thức, kỹ năng về sử dụng tài khoản ngân hàng của nhiều người còn hạn chế. Đồng thời, điều này còn gây ảnh hưởng tới quá trình triển khai chính sách từng bước hạn chế dùng tiền mặt trong các giao dịch của Ngân hàng Nhà nước.
Thông tin thất thiệt đang gây hoang mang dư luận. |
Khi xuất hiện thông tin này, chúng tôi đã tìm hiểu tại một số địa phương trong tỉnh nhưng chưa ghi nhận trường hợp người dân nào nghe điện thoại mất tiền trong tài khoản. Người bị lừa đến cơ quan chức năng của tỉnh tố giác chủ yếu vẫn là các trường hợp, như: Chuyển tiền vào tài khoản để nhận quà có giá trị lớn từ nước ngoài gửi về; liên quan đến các vụ án hình sự phải chuyển tiển để chứng minh sự trong sạch...
Mới đây, trên địa bàn có thông tin người dùng chỉ cần bấm nhận một cuộc gọi rác, cuộc gọi AI thì ngay lập tức mất tiền trong tài khoản. Thông tin trên khi được phát tán trên mang xã hội đã thu hút hàng trăm lượt bình luận, chia sẻ và gây hoang mang đối với người dân. Tuy vậy, theo các chuyên gia bảo mật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thì thông tin trên thiếu cơ sở, không chính xác.
Theo các chuyên gia về an ninh mạng, cuộc gọi giả danh có mục đích của kẻ xấu là đánh lừa người dùng, sau đó dẫn dụ họ vào các trang web độc hại, spam, quảng cáo. Từ đó, kẻ xấu mới có cơ hội thu thập thông tin cá nhân liên quan để thực hiện các hành vi phạm pháp, chiếm đoạt tài sản. Do vậy, người dùng chỉ mất tiền khi thực hiện thao tác theo hướng dẫn của kẻ lừa đảo.
Trước đó, theo ghi nhận của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tại Việt Nam có xuất hiện hình thức gọi quảng cáo tự động được ghi âm sẵn - Robocall. Các cuộc gọi rác tập trung nhiều nhất vào dịch vụ rao bán nhà đất, căn hộ, condotel, mời mua bảo hiểm, dịch vụ tài chính, học tiếng Anh…
Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa phát hiện hoặc nhận được kiến nghị, phản ánh của người dân về nội dung nghe điện thoại số máy lạ mất tiền trong tài khoản. Tôi khẳng định về mặt kỹ thuật, khi người dùng nghe một cuộc gọi rác, dù được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo hay các hình thức khác nếu không làm theo hướng dẫn, chắc chắn kẻ xấu không thể thu thập thông tin cá nhân hay đánh cắp tiền trong tài khoản.
Đại diện một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng cho biết việc bảo mật thông tin cá nhân, an ninh và các biện pháp nghiệp vụ được ngân hàng thực hiện cực kỳ nghiêm ngặt, chặt chẽ, liên tục nâng cấp. Do vậy, việc đối tượng xấu xâm nhập để đánh cắp thông tin cá nhân nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng trong tài khoản không thể xảy ra nếu khách hàng không để lộ, lọt thông tin cá nhân, vô tình bị đánh cắp thông tin liên quan.
Bên cạnh các cuộc gọi mạo danh, gần đây trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện nhiều cuộc gọi với chung kịch bản là chiêu lừa “con cấp cứu ở viện” hay “liên quan đến vụ phạm pháp hình sự”; cố tình chuyển tiền nhầm rồi yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản để thực hiện giao dịch chuyển trả lại.
Ở các vụ việc này, kẻ xấu đã sử dụng sự sợ hãi như một thứ vũ khí để đánh đòn tâm lý đối với người dân, khiến họ thực hiện việc chuyển tiền theo hướng dẫn. Các hành vi này đã kịp thời được báo chí và các cơ quan chức năng của tỉnh lật tẩy, khuyến cáo nên người dân có sự cảnh giác, không bị lừa mất tiền.
Trước thực trạng các cuộc gọi lừa đảo có dấu hiệu ngày càng gia tăng, cơ quan chức năng của tỉnh và đại diện các ngân hàng trên địa bàn khuyến cáo người dân nên cảnh giác khi nhận được cuộc gọi từ những số máy lạ. Khi đã nghe, phát hiện số máy lạ cần tuyệt đối tỉnh táo, chậm lại một nhịp để xác minh thông tin và không thực hiện theo yêu cầu ngay lập tức để tránh sập bẫy lừa đảo.
Đồng thời, người dân khi phát hiện có các số máy lạ gọi với mục đích lừa đảo, có nội dung gây phiền nên báo ngay với cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn. Khi người dân nghe các thông tin về lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng mà chưa kiểm chứng độ xác thực thì không nên lan truyền để gây hoang mang trong dư luận, mắc mưu kẻ xấu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin