Lan tỏa tinh thần yêu hàng Việt

Sông Hương 10:15, 26/06/2023

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động và các hoạt động thiết thực, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã lan toả rộng khắp, góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TP. Sông Công được lồng ghép trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương.
Hội nghị tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TP. Sông Công được lồng ghép trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương.

Mới đây, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại xã La Hiên (Võ Nhai), thu hút trên 100 người tại huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ và Phú Bình tham gia.

Ông Hoàng Xuân Thủy, Tổ trưởng tổ dân phố 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), chia sẻ: Tôi nghĩ việc tiêu dùng hàng hóa trong nước là một trong những hành động khơi dậy niềm tự hào, thể hiện truyền thống yêu nước của mỗi người dân. Hiện tôi “đóng nhiều vai”, vừa là Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Làng nghề chè truyền thống tổ dân phố 5, Giám đốc Hợp tác xã Tân Hoàng Trà. Ngoài tuyên truyền bà con thay đổi thói quen tiêu dùng hàng Việt, tôi luôn động viên các thành viên Hợp tác xã sản xuất chè đảm bảo chất lượng.

Chị Nguyễn Thị Bắc Lệ, Trưởng Ban Phong trào, Ủy ban MTTQ tỉnh, cho hay: Thực hiện Kế hoạch triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2023 chúng tôi tham mưu với Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền từ sớm, phối hợp tổ chức các hội nghị. Từ đầu năm đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức được 2 hội nghị tại TP. Sông Công và huyện Võ Nhai (với trên 250 đại biểu tham dự).

Ngoài tuyên truyền về nội dung Cuộc vận động, các hội nghị còn tuyên truyền về ứng dụng công nghệ số; giới thiệu các doanh nghiệp tiêu biểu, địa chỉ tin cậy giúp người tiêu dùng có thông tin để lựa chọn hàng Việt.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương, chia sẻ thêm: “Những năm gần đây, Sở Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như: Tuyên truyền qua các kênh truyền thông; tổ chức đưa các chuyến hàng Việt về vùng nông thôn, miền núi; tổ chức hội chợ quảng bá, giới thiệu, kích cầu tiêu dùng nội địa; mở rộng hệ thống phân phối hàng Việt, nhất là hàng hóa sản xuất trong tỉnh, đưa đặc sản của tỉnh, sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, khuyến khích các doanh nghiệp phân phối bán lẻ thực hiện các chương trình khuyến mãi...

Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Công Thương đã thực hiện hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện cho khoảng 530 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia trực tiếp tại các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cuối tháng 5-2023, Sở Công Thương cũng tổ chức thành công Hội chợ triển lãm “Công thương-OCOP Thái Nguyên năm 2023” với quy mô 190 gian hàng.

Cùng với đó, Sở Công Thương đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Hiện nay đã có trên 2.600 sản phẩm của 240 đơn vị, doanh nghiệp, trong đó có 173 sản phẩm OCOP, 60 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử của tỉnh để quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ.  

Nhờ tích cực quảng bá sản phẩm, tuyên truyền nội dung cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã thay đổi nhận thức, thói quen mua sắm, chú ý nhiều hơn đến hàng hóa Việt Nam sản xuất, nhất là những sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt đã chiếm được niềm tin của khách hàng nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có gắn tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Chị Nguyễn Thị An, xóm Bến Đò, xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), bày tỏ: Trước kia, tôi không quan tâm quá nhiều đến xuất xứ hàng hóa khi mua sắm, nhưng vài năm trở lại đây, khi được tuyên truyền hàng Việt chất lượng tốt, mẫu mã đẹp tôi đã thay đổi thói quen mua sắm, chú ý đến hàng Việt nhiều hơn. Đặc biệt, tôi hay lựa chọn các sản phẩm OCOP của doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất, như: Miến dong Việt Cường, bánh chưng Bờ Đậu, hàng may mặc của TNG...

Có thể nói, bằng nhiều hình thức quảng bá, tuyên truyền, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng lan tỏa ,“thấm sâu” vào từng người dân. Thực tế cũng cho thấy, người dân dần thay đổi nhận thức, không sính hàng ngoại mà lựa chọn, sử dụng hàng Việt như một nét văn hóa.