Phòng, chống sản phẩm văn hóa xấu độc trên không gian mạng

Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông 08:47, 22/06/2023

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 1,3 triệu thuê bao di động, trong đó khoảng 70% số thuê bao sử dựng điện thoại thông minh. Đây là công cụ quan trọng để người dân tiếp cận với Internet, mạng xã hội (MXH). Bên cạnh những mặt tích cực thì thông tin xấu, độc phát tán trên Internet và môi trường mạng thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, với những luận điệu sai trái trên các nền tảng MXH.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành đẩy mạnh hoạt động văn hóa đọc qua nhiều giải pháp công nghệ thông tin, truyền thông. Ảnh: T.L
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành đẩy mạnh hoạt động văn hóa đọc thông qua nhiều giải pháp công nghệ thông tin, truyền thông. Ảnh: T.L

Theo số liệu thống kê trên Hệ thống Giám sát và Thông tin trực tuyến, trong năm 2022, trên mạng xã hội (Facebook, Youtube, Instagram, Tiktok) có trên 221.620 lượt đăng tải, chia sẻ các tin, bài, nội dung phản ánh về tỉnh Thái Nguyên. Trong đó có 17.168 thông tin tích cực, 32.268 thông tin tiêu cực, 172.192 thông tin trung lập.

Hiện nay có khoảng 60 nhóm (group), blog cá nhân, tài khoản Facebook đăng tải, chia sẻ thông tin về tỉnh Thái Nguyên. Trong đó có 10 nhóm, blog cá nhân, tài khoản thường xuyên đăng tải, chia sẻ thông tin về Thái Nguyên. 

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về thông tin trên Internet và MXH, bảo vệ và giữ gìn văn hóa truyền thống, đấu tranh chống lại các sản phẩm phi văn hóa, những thông tin sai trái, thù địch, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phát triển thông tin báo chí, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở. Qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin tích cực với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tạo niềm tin của người dân, sự đồng thuận xã hội, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 130 đại lý Internet hoạt động, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng nằm ở các huyện, thành phố.

Bên cạnh đó, Sở thường xuyên theo dõi thông tin về tỉnh Thái Nguyên trên báo chí và MXH, tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của trang thông tin điện tử, website của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, điểm truy nhập Internet công cộng và điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Từ đó kịp thời ngăn chặn, xử lý những thông tin sai trái…

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thanh tra thuê bao di động trả trước tại Viettel Thái Nguyên. Ảnh: T.L
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thanh tra thuê bao di động trả trước tại Viettel Thái Nguyên. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, đối với nhiệm vụ và giải pháp trong bảo vệ, giữ gìn văn hóa truyền thống, đấu tranh chống lại các sản phẩm phi văn hóa, thông tin sai trái, thù địch trong điều kiện công nghệ thông tin, Internet, MXH phát triển mạnh mẽ thì vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, cụ thể như: Phần lớn các nguồn tin phát tán trên không gian mạng đều xuất phát từ những nguồn ẩn danh, sử dụng thông tin giả, máy chủ đặt ở nước ngoài… Do đó, việc xác định các tổ chức, cá nhân phát tán nguồn tin cần sự vào cuộc của rất nhiều đơn vị từ Trung ương đến địa phương. Các nền tảng MXH hiện đang được người dân sử dụng nhiều là các nền tảng xuyên biên giới, vì vậy khó khăn trong việc xác thực tài khoản…

Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tham mưu trình nghị định thay thế các nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, dự kiến sẽ được ban hành cuối năm 2023, với những thay đổi rất quan trọng. Cụ thể, yêu cầu tất cả các chủ tài khoản MXH là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả MXH nước ngoài như Facebook, Youtube, Tiktok... 

Nhằm bảo vệ, giữ gìn văn hóa truyền thống, đấu tranh chống lại các sản phẩm phi văn hóa, thông tin sai trái, thù địch trong điều kiện công nghệ thông tin, Internet, MXH phát triển mạnh mẽ và để việc sử dụng MXH đạt hiệu quả, khai thác được những thông tin hữu ích phục vụ học tập, công tác, nghiên cứu khoa học, cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp sau: 

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông chính sách nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về ý thức sử dụng thông tin trên không gian mạng; quản lý tốt các fanpage, đặc biệt là quản lý chặt chẽ các bình luận, không đăng tải những bình luận trái chiều, sai trái, có nội dung vi phạm pháp luật. Cùng với đó, xây dựng các fanpage chính thống của cơ quan, đơn vị, để tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, vừa thu hút đầu tư vào tỉnh.

Đối với các trang thông tin điện tử và cơ quan báo chí, tiếp tục quán triệt, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet”; đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng MXH, chủ động đấu tranh với những luồng thông tin xấu độc; phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chủ quyền quốc gia và an toàn thông tin trên không gian mạng.

Về công tác quản lý, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp công nghệ, thực hiện định danh tài khoản MXH; xây dựng hệ thống rào cản kỹ thuật nhằm chặn, lọc, xử lý thông tin độc hại, sai trái và những tài khoản MXH vi phạm; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để lan tỏa những thông tin tích cực, thông tin về các chính sách mới của Đảng và Nhà nước lên các nền tảng MXH. 

Tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin nhằm ngăn chặn, giảm thiểu sự thiệt hại do các sự cố thông tin gây ra. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kịp thời xử lý lỗ hổng, ngăn chặn, bóc gỡ mã độc tấn công hệ thống mạng.

Đối với cơ quan quản lý cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, thông tin điện tử, MXH theo quy định tại Nghị định số 119/2020/ NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ.